Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số
40/2025/TT-BCT ngày 22/6/2025 quy định về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
(gọi tắt là C/O) và chấp thuận bằng văn bản cho thương nhân tự chứng nhận xuất
xứ hàng hóa xuất khẩu theo khoản 6 Điều 28 Nghị định số 146/2025/NĐ-CP ngày
12/6/2025 của Chính phủ quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực công
nghiệp và thương mại.
Đối tượng áp dụng Thông tư gồm: Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công
Thương); Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh); Thương nhân, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nhiệm vụ
quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa.
Theo Thông tư, nguyên tắc tổ chức thực hiện cấp C/O và Văn bản
chấp thuận, bao gồm:
1. Bảo đảm sự thống nhất, toàn diện trong công tác quản lý
nhà nước về xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu.
2. Bảo đảm phù hợp với chủ trương theo quy định của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
3. Phù hợp với quy định về cơ quan, tổ chức có thẩm quyền được
cấp C/O và cấp Văn bản chấp thuận tại các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Bảo đảm không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc
tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc
tế từ cấp Cục thuộc Bộ, Bộ, cơ quan ngang Bộ trở lên có nội dung về xuất xứ
hàng hóa.
Về nội dung, phạm vi cấp C/O và Văn bản chấp thuận, Cục Xuất
nhập khẩu (Bộ Công Thương) cấp và tổ chức triển khai việc cấp các loại C/O và
Văn bản chấp thuận tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này khi đáp ứng điều kiện
quy định tại Điều 5 Thông tư này và quy định pháp luật có liên quan.
Tổ chức được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ theo thẩm
quyền cấp các loại C/O và Văn bản chấp thuận tại Phụ lục II kèm theo Thông tư
này theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương khi đáp ứng điều kiện quy định tại
Điều 5 Thông tư này và quy định pháp luật có liên quan.
Việc đáp ứng điều kiện được thực hiện trên cơ sở tự đánh giá
theo mẫu tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công
Thương) gửi kết quả tự đánh giá điều kiện cho Bộ trưởng Bộ Công Thương; tổ chức
được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ gửi kết quả tự đánh giá điều kiện
cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Điều kiện cấp C/O và Văn bản chấp thuận
Thông tư quy định các cơ quan, tổ chức cấp C/O và Văn bản chấp
thuận phải bảo đảm đội ngũ nhân lực để thực hiện việc cấp và tổ chức triển khai
việc cấp các loại C/O và Văn bản chấp thuận; Được đào tạo, tập huấn kiến thức về
xuất xứ hàng hóa đối với người có thẩm quyền ký C/O và Văn bản chấp thuận; Có
tài khoản thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Bảo đảm hạ tầng số để triển khai
Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương (Hệ thống
eCoSys) tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn liên tục, ổn định và thực hiện thông suốt
quy trình thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử, cấp C/O dưới dạng điện tử,
truyền dữ liệu C/O điện tử và cấp Văn bản chấp thuận; Có khu vực lưu trữ riêng,
các trang thiết bị cần thiết lưu trữ hồ sơ, chứng từ cấp C/O và Văn bản chấp
thuận.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Trong vòng 90 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh phải bảo đảm việc tổ chức được giao nhiệm vụ theo thẩm
quyền triển khai cấp các loại C/O và Văn bản chấp thuận.
Thông tin đến Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) văn bản
triển khai việc cấp C/O và Văn bản chấp thuận (nếu có); mẫu con dấu của cơ
quan, tổ chức cấp C/O và Văn bản chấp thuận; mẫu chữ ký của người có thẩm quyền
ký C/O và Văn bản chấp thuận theo hướng dẫn của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công
Thương) và cập nhật ngay khi có thay đổi.
Công bố công khai nội dung quản lý nhà nước về xuất xứ hàng
hóa và hướng dẫn thương nhân đề nghị cấp C/O và Văn bản chấp thuận thực hiện
đúng theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Kiểm tra, giám sát tổ chức được giao nhiệm vụ cấp C/O và Văn
bản chấp thuận; xử lý vi phạm đối với việc triển khai cấp C/O và Văn bản chấp
thuận, thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan.
Trách nhiệm của tổ chức được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao
nhiệm vụ cấp C/O và Văn bản chấp thuận
Duy trì điều kiện cấp C/O và Văn bản chấp thuận theo quy định
tại Thông tư này.
Thực hiện quy trình, thủ tục cấp C/O và Văn bản chấp thuận
theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh
bạch, cải cách hành chính và tạo thuận lợi; tiếp nhận và giải quyết kiến nghị,
vướng mắc của thương nhân đề nghị cấp C/O và Văn bản chấp thuận.
Theo dõi, hướng dẫn thương nhân đề nghị cấp C/O và Văn bản
chấp thuận thực hiện đúng theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Kiểm tra, xác minh đối với C/O và Văn bản chấp thuận đã được
cấp theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa (kể cả trường hợp không còn thực
hiện nhiệm vụ, quyền hạn cấp C/O và Văn bản chấp thuận).
Báo cáo định kỳ theo quý, năm hoặc báo cáo đột xuất gửi Cục
Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình cấp
C/O, Văn bản chấp thuận và thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại
Phụ lục IV kèm theo Thông tư này.
Trách nhiệm của đơn vị thuộc Bộ Công Thương
Cục Xuất nhập khẩu chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình thực
hiện cấp C/O và Văn bản chấp thuận; xây dựng nội dung chương trình đào tạo, tập
huấn về xuất xứ hàng hóa; chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền, đơn vị
liên quan kiểm tra
định kỳ hoặc đột xuất cơ quan, tổ chức cấp C/O và Văn bản chấp thuận; duy trì
điều kiện cấp C/O và Văn bản chấp thuận theo quy định tại Thông tư này.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chịu trách nhiệm quản lý hạ tầng kỹ thuật
của Hệ thống eCoSys, kết nối và truyền dữ liệu C/O điện tử từ Hệ thống eCoSys
sang Cổng Thông tin một cửa Quốc gia của Việt Nam; tạo tài khoản và cấp mã số của
cơ quan, tổ chức cấp C/O và Văn bản chấp thuận trên Hệ thống eCoSys; đăng tải
và cập nhật danh mục cơ quan, tổ chức cấp C/O và Văn bản chấp thuận trên Hệ thống
eCoSys.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Trong trường hợp có
sự thay đổi về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, việc thực hiện sẽ căn
cứ theo các văn bản sửa đổi, bổ sung mới nhất.
NTXT