Thứ 6 - 26/02/2016
Hỏi đáp về thủ tục Hồ sơ thông báo chương trình Khuyến mãi LH: 02513. 822232 hoặc 02518. 824824 bấm số nội bộ 132 (Mr.Đức) hoặc Yến: 02513. 822216
Nhiệt liệt chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam **** Tháng Công nhân 2023 "Đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phát triển" **** Sở Công Thương Đồng Nai tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh       Đề phòng thiệt hại do mưa, dông, lốc, sét, mưa đá xảy ra trong thời kỳ chuyển mùa **** Công bố Chính sách chất lượng năm 2023 của Sở Công Thương: “CÔNG KHAI, MINH BẠCH – CÔNG TÂM, CHU ĐÁO - ĐÚNG LUẬT, ĐÚNG HẸN”

Quá trình phát triển

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG ĐỒNG NAI

 

Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, Đảng bộ, chính quyền Đồng Nai đã phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh bắt tay ngay vào việc khôi phục kinh tế sau chiến tranh, để xây dựng nơi đây thành vùng sản xuất công nghiệp năng động, miền đất an toàn, hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Thành quả đó là sự kết tinh nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; trong đó có sự đóng góp quan trọng của cán bộ công chức qua nhiều thế hệ của ngành Công thương Đồng Nai.

Tháng 3 năm 1976, Ty Thương nghiệp và Ty Công nghiệp Đồng Nai được thành lập để tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tổ chức thực hiện nhiệm vụ kế hoạch nhà nước về phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh. Đây là tiền đề hình thành Sở Công Thương

Ngày 28/3/2008, Sở Công Thương Đồng Nai được thành lập theo Quyết định số 987/QĐ-HĐND (trên cơ sở sáp nhập Sở Thương mại - Du lịch và Sở Công nghiệp) với chức năng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa để phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế. Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Cơ khí; luyện kim; điện; năng lượng mới, năng lượng tái tạo; hóa chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản (trừ vật liệu xây dựng); công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp chế biến khác; an toàn thực phẩm; lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh; xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý cạnh tranh, chống bán phá giá; chống trợ cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khuyến công, quản lý cụm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của sở theo quy định của pháp luật.

Sở Công Thương đã phát huy vai trò trong tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh các chủ trương chính sách phát triển công nghiệp, thương mại góp phần đưa Đồng Nai đứng vào top các tỉnh thành phát triển trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, trọng điểm phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư của cả nước.

 Về phát triển công nghiệp

Để có được diện mạo Đồng Nai tươi đẹp hôm nay, cùng với cả nước Đồng Nai đã trải qua những năm nhiều bước thăng trầm. Hơn 300 năm trước, các bậc tiền nhân khai phá vùng đất phương Nam đã xây dựng nên “Nông Nại đại phố” - một thương cảng bậc nhất xứ Phương Nam. Công nghiệp thiểu thủ công nghiệp cũng đã hình thành với các làng nghề dệt vải, làm mật mía, khai thác đá xây dựng, sản xuất gốm mỹ nghệ, đan lát... Trong thời kỳ Pháp thuộc, tư bản Pháp đã lập một số cơ sở công nghiệp chế biến nông, lâm sản... Sau năm 1954, ngay từ những ngày đầu chính quyền Sài Gòn đã dựa vào Mỹ xây dựng nền kinh tế thị trường tự do và sau đó bị chi phối bởi chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Đến cuối thập niên 50, công nghiệp Đồng Nai bắt đầu xây dựng nhà máy giấy Đồng Nai, Nhà máy giấy Tân Mai. Đến năm 1963, khi Công ty kỹ nghệ Biên Hòa (SONADEZI) được thành lập đã xây dựng khu kỹ nghệ Biên Hòa trên diện tích 376 ha, công nghiệp Đồng Nai bắt đầu phát triển theo mô hình sản xuất công nghiệp tập trung. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Biên Hòa trước năm 1975 phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng thay thế nhập khẩu từ các nước tư bản, do đó khi tiếp quản Khu công nghiệp Biên Hòa, tình trạng các nhà máy không sử dụng hết công suất hoặc ngưng hoạt động xảy ra phổ biến.

Năm 1975, khu công nghiệp Biên Hòa khi tiếp quản chỉ có 33 nhà máy hoạt động cầm chừng, 12 nhà máy đã ngưng hoạt động, 3.000 công nhân tại khu công nghiệp này không có việc làm phải nghỉ việc. Mặc dù đến năm 1975, công nghiệp Đồng Nai rơi vào khủng hoảng, nhưng với quy mô hiện có, sự tồn tại của công nghiệp Đồng Nai trước năm 1975 là một trong những tiền đề hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của ngành công nghiệp Đồng Nai sau ngày thống nhất đất nước.

Trong suốt giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế từ năm 1976 -1986, mặc dù đã cố gắng thực hiện công nghiệp hóa và đạt được những chuyển biến tích cực về cơ cấu kinh tế và lao động, nhưng về cơ bản Đồng Nai vẫn là tỉnh nông nghiệp. Đến năm 1985, toàn tỉnh mới chỉ có 115 xí nghiệp quốc doanh và 2.101 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Bắt đầu từ giai đoạn từ năm 1986 đến nay, thực hiện chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh Đồng Nai thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Do có vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực có chất lượng, có cơ sở công nghiệp từ trước, môi trường đầu tư thông thoáng, nguồn vốn dồi dào, chính quyền năng động, nên Đồng Nai có nhiều tiềm năng, thế mạnh là một trong các địa phương đi đầu trong cả nước về công nghiệp hoá. Trong hơn 30 năm qua, Đồng Nai đã đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng như:

- Về tốc độ tăng trưởng: Tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt mức cao, đặc biệt là từ năm 1991 đến nay luôn đạt mức hai con số và là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng. Mức tăng trưởng trung bình cho cả giai đọan 1986-1995 đạt 8,18%; giai đoạn 1996-2005 đạt 12,42%; giai đọan 2006-2015 đạt 12,77%, cao gấp 2 lần so với mức tăng chung của cả nước. GRDP bình quân đầu nguời sau mỗi chu kỳ 5 năm tăng gấp đôi so với 5 năm trước liền kề, từ mức 185 USD/người năm 1985, đạt mức 333 USD năm 1995 và 875 USD năm 2005 và trên 3.000 USD năm 2015, cao hơn bình quân cả nước hiện khoảng 2.200 USD.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đã tạo cho Đồng Nai một thế và lực mới, thúc đẩy quá trình tích lũy đầu tư phát triển kinh tế, tăng mức tiêu dùng của xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Về phát triển công nghiệp: Trong giai đoạn 1986-1995, công nghiệp Đồng Nai từng bước phục hồi và phát triển, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân là 18,72%/năm, trong đó riêng giai đoạn 1991-1995 công nghiệp Đồng Nai phát triển vượt bật, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 33,3%/năm và đó là giai đoạn mở đầu cho bước phát triển của công nghiệp đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai.

Giai đoạn 1996-2005, sự gia tăng chóng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã làm gia tăng nhanh chóng giá trị sản lượng công nghiệp, cung ứng lượng hàng hóa lớn cho tiêu dùng và xuất khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động.

Giai đoạn 2006 – 2015, tỉnh đã chuyển hướng sang phát triển công  nghiệp theo chiều sâu theo chiến lược phát triển bền vững, chủ trương không thu hút các dự án gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng nhiều lao động; ban hành Chương trình phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2006-2010 nhằm tạo điều kiện cho phát triển nhanh các ngành công nghiệp ưu tiên; ban hành Chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 để tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và có giá trị gia tăng cao nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Do định hướng nêu trên, giai đoạn 2006 – 2015, tốc độ tăng trưởng công nghiệp tuy có giảm nhưng vẫn đạt 13-14%/năm.

Từ 38 nhà máy hoạt động Khu công kỹ nghệ Biên Hoà nay là KCN Biên Hoà I, sau ngày giải phóng miền Nam. Đến năm 2015, toàn tỉnh có trên 13.700 cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động, bao gồm: 40 doanh nghiệp nhà nước (Trung ương 32, địa phương 14); 12.940 cơ sở ngoài quốc doanh, 725 doanh nghiệp có vốn  đầu tư nước ngoài. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đã tăng gấp hơn 200 lần so với năm 1986.

Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, công nghiệp Đồng Nai đã tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng và đang chuyển nhanh sang lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, giá trị gia tăng cao theo chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững. Đến nay, tỷ trọng công nghiệp chiếm trên 57% GDP, đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh.

Từ 01 khu công nghiệp duy nhất trước ngày Giải phóng với diện tích 464 ha, đến nay Đồng Nai đã có 32 khu khu công nghiệp quy mô hơn 10.240 ha được xây dựng. Diện tích đất đã cho thuê 4.763 ha, đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 500 ngàn lao động.

Từ chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào đầu tư vào tỉnh, tính đến tháng 9/2016, tại 32 KCN Đồng Nai đã có 42 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 1.493 dự án, trong đó có 1.086 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 20,8 tỷ USD, dẫn đầu là Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản...Nhiều tập đoàn lớn từ Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật bản Singapor....đã có mặt tại Đồng Nai

Bên cạnh việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, các khu công nghiệp chính là môi trường để Đồng Nai tiếp cận và từng bước chuyển giao khoa học công nghệ, cũng như trình độ tổ chức quản lý sản xuất. Các KCN cũng là nơi đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Nếu như năm 1997, các khu công nghiệp mới đóng góp ngân sách 21 triệu USD, thì năm 2015 các khu công nghiệp đã đóng góp nguồn thu ngân sách trên gần 600 triệu USD. Sản phẩm hàng hóa từ các khu công nghiệp Đồng Nai được xuất đi thị trường hơn 140 nước trên thế giới, trong đó có những thị trường phát triển như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản….

 Về phát triển thương mại dịch vụ

- Đối với hoạt động ngoại thương: Giai đoạn trước đổi mới, hoạt động xuất khẩu hầu như chưa có gì, chủ yếu là trao đổi hàng hóa qua lại. Trong giai đoạn 1986-1990, hoạt động ngoại thương đã có những chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 29 triệu USD, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của giai đoạn này vẫn là hàng nông sản. Đến giai đoạn 1991-2005, kim ngạch xuất khẩu năm 2005 tăng khoảng 107 lần, đạt 3,1 tỷ USD so với năm 1990. Đến giai đoạn 2006 -2015, với việc hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng đối với kinh tế Việt Nam đã mở ra nhiều chiều hướng tích cực đối với Đồng Nai trong việc tiếp cận và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài. Xuất khẩu ở Đồng Nai đến năm 2015, đã đạt kim ngạch 14,5 tỷ USD, đứng thứ 4 cả nước chỉ sau: TP.HCM, Bình Dương, Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp, thuộc trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, Đồng Nai có nhiều lợi thế trong phát triển hệ thống dịch vụ Logistics. Đây là ngành dịch vụ thực hiện quá trình lưu thông phân phối hàng hóa, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế không chỉ riêng cho Đồng Nai mà còn tác động đến cả vùng. Hiện nay tỉnh Đồng Nai đang xúc tiến quy hoạch Logistics Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh Đồng Nai sẽ hình thành 4 khu vực kho cảng gồm 18 điểm tại khu vực Nhơn Trạch; Long Thành, Cẩm Mỹ, Khu vực thị xã Long Khánh, Thống Nhất, Tân Phú và khu vực Biên Hòa, Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Cùng với đó hệ thống giao thông, cảng biển, sân bay quốc tế Long Thành cũng đang chuẩn bị những điều kiện để triển khai… quy hoạch hệ thống cảng ICD trên địa bàn nhằm tạo tiền để dịch vụ logistics phát triển tương xứng với quy mô công nghiệp, góp phần đem lại hiệu quả, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế tình nhà.

- Đối với hoạt động nội thương: Trong giai đoạn đầu 1986-1990, hình thức thương mại hoạt động chủ yếu là thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp Hợp tác xã thực hiện nhiệm vụ chi phối bán lẻ và giữ khâu then chốt trong cung ứng vật tư hàng hóa thiết yếu cho đời sống và sản xuất của xã hội, rồi chuyển sang thực hiện nhiệm vụ bán buôn những mặt hàng thiết yếu.

Khi bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế,  từ đó đã xuất hiện các hình thương mại mới như: Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ nông thôn, thương mại điện tử..... Hạ tầng thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, về cơ bản Đồng Nai sớm triển khai xây dựng đã hoàn thành quy hoạch phát triển hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Sự xuất hiện và phát triển nhanh của loại hình thương mại hiện đại bên cạnh thị trường truyền thống đã mang lại diện mạo mới cho hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh.

Nếu như sau giải phóng, cả tỉnh Đồng Nai chỉ có khoảng trên 30 chợ truyền thống thì đến năm 1990, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại Đồng Nai đạt gần 500 tỷ đồng, tăng gấp hơn 300 lần lần so với năm 1985. Đến năm 2015, đã đạt hơn 125.960 tỷ đồng, gấp hơn 251 lần so với năm 1990. Hạ tầng thương mại Đồng Nai đã phát triển vượt bật với 169 chợ đang hoạt động và 13 trung tâm thương mại,  siêu thị có quy mô lớn với những thương hiệu bán lẻ nổi tiếng…. Lĩnh vực thương mại dịch vụ luôn được tỉnh chú trọng khuyến khích phát triển, từ mức tỷ trọng trong GRDP chiếm 24,3% năm 1985 đã chiếm tỷ trọng 29,5% năm 1995, 28% năm 2005 và 37,7% năm 2015.

Thị trường hàng hoá phát triển nhanh trong thời kỳ đổi mới, các mặt hàng rất đa dạng phong phú, mẫu mã đẹp; phương thức phục vụ không ngừng được cải tiến theo hướng văn minh, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Mạng lưới cửa hàng kinh doanh thương mại được phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

Kinh tế dịch vụ những năm qua trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển địch cấu cấu kinh của tình theo hướng “công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp”. Trong đó, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo khai thác những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, đưa hoạt động du lịch Đồng Nai trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, phát triển bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Trong những giai đoạn qua, tỉnh Đồng Nai đã tăng cường mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có gần 30 khu, điểm du lịch, trong đó nhiều khu du lịch được đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Năm 2016 dự kiến sẽ có trên 3 triệu khách du lịch đến Đồng Nai và đến năm 2020 sẽ thu hút được 6 triệu lượt khách.

Trong suốt hơn 40 năm qua từ 1975 đến nay. Hoạt động thương mại của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường và phát triển nhanh, vững chắc trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, hoạt động thương mại Đồng Nai thực sự đã trở thành đòn bẩy thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lại lao động xã hội, ổn định giá cả, thực hiện phân phối lại thu nhập quốc dân một cách hợp lý và cải thiện đáng kể đời sống nhân dân.

          Trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới và yêu cầu phát triển của đất nước thời gian tới đây, ngành Công Thương sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đồng thời với sự quyết tâm, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành cùng với cộng đồng doanh nghiệp thuộc các thàn​h phần kinh tế, Sở Công Thương Đồng Nai chắc chắn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động tốt hơn, có hiệu quả hơn; đặc biệt quan tâm tới các dự án lớn đang triển khai đầu tư và mở rộng sản xuất. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực có tác động thúc đẩy công nghiệp phát triển như: Thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng các Cụm công nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp địa phương, nghề và làng nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp của tỉnh. Tổ chức tốt các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ nông dân, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các hoạt động bán hàng hạ giá, khuyến mại...; ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới chợ nông thôn, chợ đầu mối, kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lưu thông, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa thực hiện có hiệu quả các giải pháp chủ yếu về công tác kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung./.

Hình ảnh hoạt động

Trao quà tết
ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa X (2021-2026) hình 1
ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa X (2021-2026)
Xem thêm

Liên kết website

Số lượt truy cập

Thăm dò ý kiến

Đánh giá giao diện Trang TTĐT Sở Công thương



 
Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ CÔNG THƯƠNG

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Đồng Nai . Giấy phép số 26/GP-BVHTT cấp ngày 22/01/2003
Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Cường - Giám đốc Sở Công Thương
Địa chỉ: Số 2 Nguyễn Văn Trị, Biên Hoà, Đồng Nai.
Điện Thoại : 0251.33823317 (Văn phòng Sở); 0251.3823317 (P.KHTCTH); 0251.3822232 (Thanh tra); 0251.3822216 (P.QLTM); 0251.3941584 (P.QLCN); 0251.3824962 (P.KT&QLNL).  

E-mail:sct@dongnai.gov.vn; 
Copyright 2018 by So Cong Thuong Dong Nai​