Thứ 6 - 26/02/2016
Hỏi đáp về thủ tục Hồ sơ thông báo chương trình Khuyến mãi LH: Yến: 02513. 822216
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC 30/4 VÀ NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5 **** **** Sở Công Thương Đồng Nai tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh       Đề phòng thiệt hại do mưa, dông, lốc, sét, mưa đá xảy ra trong thời kỳ chuyển mùa **** Công bố Chính sách chất lượng năm 2023 của Sở Công Thương: “CÔNG KHAI, MINH BẠCH – CÔNG TÂM, CHU ĐÁO - ĐÚNG LUẬT, ĐÚNG HẸN”
Thông tin y tế trên các báo ngày 14/11/2021

Ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch

Trong những ngày qua, trên cả nước xuất hiện nhiều ổ dịch Covid-19 mới, với số lượng ca dương tính với SARS-CoV-2 tăng từng ngày, nguy cơ tái bùng phát dịch tại các địa phương rất cao.

Hơn một tháng qua, TP Hồ Chí Minh gần như trở lại nhịp sống bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số ca dương tính với SARS-CoV-2 có chiều hướng tăng trở lại. Số ca F0 tăng nhiều nhất ở huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 12 và TP Thủ Ðức. Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Thụy Mỹ Châu cho biết: Từ ngày 22 đến 28/10, huyện có 346 ca nhiễm; từ ngày 29/10 đến 4/11 có 342 ca; riêng trong ngày 10/11, huyện ghi nhận 633 ca nhiễm...

Tại tỉnh An Giang, cuối tháng 9/2021, tỉnh chỉ có 5.127 ca nhiễm; từ đầu tháng 10 đến nay, số ca tăng cao 3,29 lần, riêng ngày 11/11 có 661 ca nhiễm. Hiện tỉnh An Giang ghi nhận 16.881 ca, đang điều trị 6.205 ca F0. Ổ dịch gần đây bùng phát tại TP Long Xuyên ghi nhận 1.932 ca, TP Châu Ðốc 1.338 ca; các huyện Tịnh Biên 1.395 ca, Tri Tôn 1.496 ca, Chợ Mới 2.296 ca.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 28/10 tới nay, số ca mắc tăng nhanh, riêng ngày 9/11, thành phố phát hiện 222 ca bệnh, trong đó có 105 ca ngoài cộng đồng. Ðây là số ca mắc cao nhất trong một ngày mà Hà Nội ghi nhận lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Hà Nội đang có 14 ổ dịch, chùm ca bệnh phức tạp và vẫn tiếp tục ghi nhận F0. Các ổ dịch xuất hiện ở nhiều quận, huyện, hầu hết đều chưa rõ nguồn lây…

TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, An Giang, Hà Nội là những địa phương có số ca nhiễm Covid-19 mới tăng nhanh trong những ngày qua. Theo số liệu của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 12/11 đến 16 giờ ngày 13/11, Việt Nam ghi nhận 8.497 ca nhiễm mới tại 57 tỉnh, thành phố; trong đó, TP Hồ Chí Minh có 1.240 ca, Ðồng Nai 743 ca, An Giang 547 ca, Hà Nội 152 ca. Ðáng lưu ý, số ca nhiễm mới trong nhiều ngày gần đây vẫn ở mức cao, trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong bảy ngày qua là 8.176 ca/ngày, nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 tại các địa phương rất cao.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh lý giải: "Phần lớn ca nhiễm xuất phát từ công nhân đi làm tại các khu công nghiệp rồi nhiễm bệnh, trở về nhà lây lan cho gia đình, cộng đồng. Một số người dân chủ quan, lơ là sau khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, không tuân thủ nghiêm thông điệp 5K". Theo Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền, số ca mắc tại tỉnh tăng cao là do trước đó các ổ dịch chưa xử lý dứt điểm, lại thêm hơn 70.000 người từ các tỉnh, thành phố có dịch về địa phương và xảy ra tình trạng lây nhiễm dịch bệnh trong các khu cách ly tập trung. Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhận định, nguyên nhân là người dân đi lại, giao lưu sau khi thành phố nới lỏng giãn cách. Một bộ phận người dân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là sau khi tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch về Hà Nội chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà. Thậm chí, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều, nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát...

Trước nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn. CDC thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện phát hiện nhanh các ổ dịch kịp thời; kích hoạt các trạm y tế lưu động ở một số địa phương có số F0 điều trị tại nhà gia tăng để quản lý F0, kịp thời phát gói thuốc; phát hiện bệnh nhân chuyển nặng chuyển vào bệnh viện. Ngành y tế thành phố cũng kích hoạt lại mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" nhằm tăng cường tư vấn và hỗ trợ cho người bệnh Covid-19 đang có xu hướng tăng; thành lập đội đặc nhiệm kiểm dịch phòng, chống dịch Covid-19. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng bốn kịch bản trong giai đoạn bình thường mới hiện nay để chủ động ứng phó diễn biến dịch Covid-19. Hiện thành phố đã trả lại công năng ban đầu của một số bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị nhưng vẫn giữ một số bệnh viện dã chiến để đáp ứng công tác điều trị khi số ca F0 tăng lên. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố xây dựng mô hình bệnh viện 3 tầng, kết hợp với bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện đang được thành lập để điều trị F0 đang tăng lên. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cũng thành lập khu cách ly tập trung để điều trị cho công nhân nhiễm Covid-19. Thành phố đã sẵn sàng các kịch bản không để số ca F0 tăng mất kiểm soát.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Nguyễn Sơn Hùng khẳng định: Cơ quan chức năng của tỉnh đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; trong đó, cùng với gấp rút thành lập trạm y tế lưu động trong tất cả khu công nghiệp, 100% xã, phường cũng thành lập trạm y tế lưu động để kịp thời hỗ trợ điều trị F0 cách ly tại nhà, không để bùng thành các ổ dịch lớn. Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị cả hệ thống chính trị của tỉnh cần nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch. UBND tỉnh chấn chỉnh việc phối hợp kết nối thông tin, xử lý F0 trong cộng đồng giữa các phòng khám, địa phương, doanh nghiệp, phát huy hiệu quả hơn các đội phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, tỉnh thực hiện giới nghiêm người dân ra khỏi nhà trong đêm; hàng quán chỉ bán mang về không phục vụ tại chỗ; yêu cầu lực lượng công an tuần tra, xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang; test nhanh sàng lọc công nhân, tiểu thương định kỳ; phát phiếu cho người dân đi chợ 3 ngày/lần; các tiểu thương mua bán phải dựng màn che chắn; đẩy nhanh tiêm vắc-xin mũi 1 trong tháng 11 đạt 100% và kiến nghị Bộ Y tế cung cấp vắc-xin để tiêm mũi 2 đạt hơn 89% trong năm nay, hỗ trợ thuốc đặc trị Covid-19...

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, TP Hà Nội sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây mà xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc "nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy". Phương châm là F1 ở quận, huyện, thị xã nào, thì cách ly tập trung tại quận, huyện, thị xã đó. Thành phố cũng đang thiết lập các trạm y tế lưu động để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp trên quy mô lớn; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho người dân. Sở Y tế Hà Nội phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội vừa xây dựng kế hoạch liên ngành tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Dự kiến, thời gian triển khai là vào quý IV/2021 và quý I/2022, ngay khi tiếp nhận vắc-xin từ Bộ Y tế sẽ lần lượt tiêm cho toàn bộ trẻ đủ 12 đến 17 tuổi có chỉ định sử dụng vắc-xin của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu người dân Hà Nội rút ngắn thời gian tổ chức lễ cưới và không tập trung quá 30 người trong cùng một thời điểm...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, tình hình dịch bệnh trên cả nước và Hà Nội hiện diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng mạnh, đã có tình trạng chủ quan trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, hệ thống chính trị ở cơ sở phải tham gia vận động người về từ vùng dịch đi cách ly tập trung. Nếu cách ly tại nhà, phải kiểm tra cụ thể đến từng hộ gia đình bảo đảm đủ điều kiện an toàn. Ðối với các trường hợp không tuân thủ quy định để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, phải lập hồ sơ xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự. Chính quyền các địa phương phải có giải pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, điều trị F0, cách ly F1; chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

(nhandan.vn)

 

Hà Nội cho phép rút ngắn khoảng cách 2 mũi vắc xin AstraZeneca xuống tối thiểu 4 tuần

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phương án rút khoảng cách giữa 2 mũi vắc xin AstraZeneca về còn tối thiểu 4 tuần.

Trước đó, người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca ở Hà Nội phải chờ tới 8 tuần trở lên mới tiêm mũi 2. Theo CDC Hà Nội, việc đề xuất phương án này nhằm hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân nhanh nhất, an toàn và hiệu quả, đáp ứng công tác phòng, chống dịch, tạo miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.

Đề xuất này cũng dựa trên hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương trong văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19.

Theo đó, đối với vắc xin AstraZeneca, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đề nghị triển khai tiêm trả mũi 2 sau mũi 1 từ 4 tuần trở lên.

Hà Nội đã được Bộ Y tế phân bố hơn 11,4 triệu liều vắc xin (số liệu từ cổng thông tin tiêm chủng quốc gia). Đến sáng 14-11, Hà Nội đã tiêm được 11,04 triệu liều cho hơn 6,11 triệu người, trong đó, 4,9 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi.

CDC Hà Nội cho biết, tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên đã đạt khoảng 93%, song chỉ mới gần 70% số này được tiêm đủ 2 mũi. Đặc biệt, với nhóm người trên 50 tuổi, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2 lại thấp hơn các nhóm khác. Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện còn khoảng 1 triệu người trên 50 tuổi đang chờ đến thời hạn được tiêm mũi 2 bắt đầu từ ngày 15-11.

Liên quan đến vấn đề khoảng cách tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19, ngày 20-9, trong công văn trả lời đề xuất của tỉnh Long An và Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế cho hay, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vắc xin AstraZeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22, hiệu lực bảo vệ của vắc xin đạt 69,2%; sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần đạt 55,1%, sau từ 6-8 tuần đạt 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%.

Theo hướng dẫn của nhà sản xuất mũi 2, nên được tiêm trong khoảng từ 4-12 tuần sau mũi 1. Còn Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo khoảng cách giữa 2 mũi vắc xin này từ 8-12 tuần.

Hồi tháng 7-2021, Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca hoặc vắc xin Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca là sau 8-12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hướng dẫn của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực của việc bảo vệ khi tiêm mũi 2 để tham mưu UBND tỉnh, thành phố về thời gian tiêm vắc xin mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca. 

(hanoimoi.com.vn)

 

Hàng trăm Trạm y tế lưu động tại Hà Nội đã sẵn sàng

Hà Nội dự kiến thành lập 508 trạm y tế lưu động, 20 trạm y tế xã lưu động đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Những ngày qua, Sở Y tế Hà Nội đã thực nghiệm một số trạm y tế lưu động trước khi vận hành chính thức.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 5.777 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.202 ca, với nhiều điểm dịch phức tạp như tại Thanh Xuân, điểm dịch phường Phú Đô, Bạch Trữ…

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều quận huyện, trên địa bàn TP đã lên kế hoạch thành lập các trạm y tế lưu động để hỗ trợ theo dõi sức khỏe người cách ly y tế tại nhà trong trường hợp số ca mắc tăng cao. 

Các trạm y tế lưu động có nhiệm vụ quản lý, theo dõi, hỗ trợ các trường hợp F1, F2 đang cách ly tại nhà và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn (bên cạnh trạm y tế đang có sẵn).

Ngoài ra, trạm y tế lưu động còn hỗ trợ công tác xét nghiệm, tiêm chủng và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Đồng thời thực hiện khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác để bảo đảm người dân trong vùng dịch vẫn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản kịp thời nhất, phù hợp với bối cảnh dịch bênh hiện nay.

Trạm y tế lưu động được trang bị đầy đủ bình oxy phục vụ tại chỗ, 2 bình oxy nhỏ để mang đến nhà người dân, máy đo SpO2, bóng Ambu, test xét nghiệm nhanh COVID-19, trang phục bảo hộ phòng, chống lây nhiễm SARS- COV-2, khẩu trang, găng tay, kính chắn giọt bắn…; máy tính kết nối mạng; 2 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin; đảm bảo cơ số thuốc cấp cứu, cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác...

Mỗi trạm có 5 nhân viên y tế, trong đó một người nắm rõ địa bàn, những người khác huy động từ bệnh viện, cơ sở y tế ngoài công lập.

Trước đó, vào tháng 9, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại quận Thanh Xuân, 11 trạm y tế lưu động tại quận này đã đi vào hoạt động và đã hỗ trợ hiệu quả việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

(suckhoedoisong.vn)

 

Không vì đã tiêm 2 mũi vắc xin mà lơ là phòng dịch

Trong thời gian qua ghi nhận nhiều trường hợp tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 vẫn mắc bệnh cho thấy sự chủ quan trong công tác phòng chống dịch của một bộ phận người dân. Bởi tiêm xong mũi một miễn dịch kém, đủ hai mũi mới đủ miễn dịch, nhưng miễn dịch này chỉ giúp giảm sự lây nhiễm chứ không bảo đảm 100% không lây nhiễm.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: “Vắc xin COVID-19 là vắc xin mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vắc xin có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Hiện nay, cũng chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm là bao lâu mới có khả năng phòng bệnh”.

Chuyên gia này cho biết thêm, vắc xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Trên thực tế có những loại vắc xin hiệu lực bảo vệ với 90% nhưng có vắc xin chỉ hiệu lực bảo vệ khoảng 50%-60%. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc xin vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác. “Tiêm đủ 2 mũi vắc xin với đủ thời gian khuyến cáo thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ nhưng không phải tất cả mọi người đều có. Hơn nữa, đây là chủng virus mới nên cũng cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá vắc xin này có hiệu lực bảo vệ tốt với chủng Delta hay không. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng khi tiêm vắc xin COVID-19, nếu chưa cản được sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 thì vắc xin sẽ giảm tình trạng nặng và tử vong đối với người nhiễm”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, nhiều người chủ quan vì đã có 1-2 lần xét nghiệm âm tính, thậm chí nghĩ mình đã tiêm một mũi vắc xin thì không thể nhiễm bệnh. “Đó thực sự là sai lầm. Bởi tiêm xong mũi một miễn dịch kém, đủ hai mũi mới đủ miễn dịch, nhưng miễn dịch này chỉ giúp giảm sự lây nhiễm chứ không bảo đảm 100% không lây nhiễm. Hiện Việt Nam chưa đạt tỉ lệ tiêm bao phủ 70% dân số, chưa có miễn dịch cộng đồng, vì thế người đã tiêm đủ liều vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ), vẫn là nguồn lây cho người khác. Người được tiêm vắc xin mà nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vắc xin và gây bùng phát dịch”, ông Phu nhấn mạnh.

"Vắc xin giúp hạn chế tối đa khả năng chuyển nặng khi nhiễm bệnh, còn khi người dân vừa được tiêm vắc xin thì cơ thể không thể có kháng thể chống virus ngay được. Bản thân họ vẫn có thể nhiễm bệnh. Có những nghiên cứu cho rằng có những trường hợp khi nhiễm, nồng độ virus ở hầu họng của người tiêm và chưa tiêm giống nhau. Do đó, người tiêm khi nhiễm sẽ truyền bệnh cho người khác, nguy hiểm nhất là truyền bệnh cho trẻ em, người già, người có bệnh nền, đối tượng chưa được tiêm vắc xin. Bởi vì với người già, người có bệnh nền khi nhiễm virus dễ mắc nặng và tử vong", PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm.

Về tâm lí chủ quan khi đã tiêm đủ vắc xin, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Ở các nước, nhiều người tiêm vắc xin rồi vẫn tử vong; đó là chuyện bình thường. Bởi nếu người nhiễm virus mà đang có bệnh nền rất nặng thì dù có tiêm vắc xin vẫn sẽ xảy ra tình huống xấu”. Ông thông tin thêm, tỉ lệ chuyển nặng, tử vong với người đã tiêm vắc xin thấp bằng 1/10 người chưa tiêm. Nhưng điều đó cho thấy tất cả mọi người, không loại trừ nhóm nào, nhất là những người có bệnh lí nền, người cao tuổi, phụ nữ có thai… dù đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19, vẫn phải tuân thủ 5K, đặc biệt quan trọng là đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nơi có nhiều người.

"Theo các báo cáo khoa học, tỉ lệ tử vong ở những người đã tiêm đủ hai liều vắc xin COVID-19 là thấp hơn so với nhóm chưa tiêm hoặc mới được tiêm một mũi. Tuy nhiên, người đã tiêm hai mũi vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 và vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm không đồng nghĩa là họ được tự do đi lại, không thực hiện các khuyến cáo về phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

“Vắc xin COVID-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì. Ít nhất 14 ngày sau tiêm mũi 1 mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ lúc này chỉ đạt rất thấp. Sau tiêm mũi 2 từ 1 tháng trở lên thì vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy loại vắc xin. Vắc xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh” - TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư

(tienphong.vn)

Hình ảnh hoạt động

Trao quà tết
ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa X (2021-2026) hình 1
ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa X (2021-2026)
Xem thêm

Liên kết website

Số lượt truy cập

Thăm dò ý kiến

Đánh giá giao diện Trang TTĐT Sở Công thương

 
Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ CÔNG THƯƠNG

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Đồng Nai . Giấy phép số 26/GP-BVHTT cấp ngày 22/01/2003
Chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Cường - Giám đốc Sở Công Thương
Địa chỉ: Số 2 Nguyễn Văn Trị, Biên Hoà, Đồng Nai.
Điện Thoại : 0251.33823317 (Văn phòng Sở); 0251.3823317 (P.KHTCTH); 0251.3822232 (Thanh tra); 0251.3822216 (P.QLTM); 0251.3941584 (P.QLCN); 0251.3824962 (P.KT&QLNL).  

E-mail:sct@dongnai.gov.vn; 
Copyright 2018 by So Cong Thuong Dong Nai​