Cả nước có 2.021km đường cao tốc
Sáng nay (1/12), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển KTXH năm 2025.
Thủ tướng cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư; tình hình KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
"Tình hình KTXH 11 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng", Thủ tướng thông tin,
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%.
Các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023.
Tính đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 715 tỷ USD, tăng 15,3%, xuất siêu trên 23 tỷ USD; ước cả năm đạt 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Thu ngân sách Nhà nước (NSNN), ước cả năm vượt trên 10% dự toán (thu NSNN 11 tháng bằng 106,7% dự toán và tăng 16,4% so với cùng kỳ); bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.
Hoàn thành dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc và tích cực triển khai nhiều dự án, công trình năng lượng trọng điểm như khai thác mỏ khí Lô B, trung tâm nhiệt điện Ô Môn…; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021km. Hạ tầng số, hạ tầng năng lượng được tháo gỡ về thể chế và đầu tư.
5 bài học kinh nghiệm dẫn đến thành công
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra 5 bài học kinh nghiệm. Thứ nhất là nêu cao tinh thần đại đoàn kết; đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc" để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ 2 là nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, quyết liệt, sáng tạo đối với những vấn đề phát sinh và thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đó; coi trọng thời gian; trí tuệ, sáng tạo, quyết đoán, đúng thời điểm, địa điểm.
Thứ 3 là xây dựng cơ chế thông thoáng để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng, cần thiết, đột phá.
Thứ 4 là nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Nhân dân làm nên lịch sử. Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là nguồn lực, động lực quan trọng nhất cho sự phát triển.
Thứ 5 là giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao năng lực thực thi. Quyết liệt cải cách hành chính; kiên quyết, kiên trì xóa bỏ cơ chế "xin - cho", đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
"Tóm lại, coi trọng thời gian, phát huy trí tuệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường đột phá, quyết liệt, quyết đoán, đúng thời điểm, trọng điểm là những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Thủ tướng cho biết, năm 2025, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.