Ông Nguyễn Ngọc Thành- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, năm 2024 sản xuất công nghiệp đạt những thành tích đột phá, tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng.
Giữ vai trò động lực cho nền kinh tế
Ông Nguyễn Ngọc Thành phân tích, quy mô sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trên diện rộng và liên tục được mở rộng giữ vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Với đà tăng như hiện nay, dự kiến cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng trên 8%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7-8%).
Công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành và toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao. Trong 11 tháng năm 2024, chỉ số sản suất ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Đáng lưu ý, các ngành sản xuất chủ lực đều đạt mức tăng trưởng tốt, một số ngành tăng trưởng 2 con số.
Trong đó, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, chỉ số sản xuất xe có động cơ tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023 (cao hơn so với mức tăng trưởng 14% của 10 tháng đầu năm 2024). Trong tháng 11/2024, Việt Nam sản xuất, lắp ráp ước đạt 47,3 nghìn chiếc ô tô, tăng 3% so với tháng 9/2024 và tăng 47,8% so với tháng 10/2023.
Như vậy, sản lượng ô tô nội địa đã có tháng tăng trưởng thứ 8 kể từ đầu năm 2024 và là lần tăng thứ 6 liên tiếp. Đây cũng là tháng có sản lượng cao nhất kể từ đầu năm 2024.
Ngành điện tử, sản lượng tivi sản xuất trong nước đạt 11.398,4 nghìn chiếc, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2023; chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2023.
11 tháng năm 2024 ngành sản xuất thuốc lá vẫn giữ mức tăng trưởng tốt, sản lượng sản xuất thuốc lá điếu đạt 6,867 tỷ bao, tăng 6,5%; sản lượng sữa tươi ước đạt 1,879 tỷ lít, tăng 3%, sản lượng sữa bột ước đạt 132,4 nghìn tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Nguyễn Ngọc Thành cũng thông tin, với 2 ngành có sản lượng sản xuất và xuất khẩu lớn là dệt may và da giày dự kiến về đích thành công. Trong đó ngành dệt may đạt 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu 19 tỷ USD; ngành da giày kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27 tỷ USD tăng so với mức gần 24 tỷ USD của năm 2023.
Chú trọng công tác xây dựng chính sách
Năm 2025 được dự báo cả thị trường trong và ngoài nước có nhưng yếu tố thuận cho sản xuất công nghiệp phát triển. Với vai trò quản lý Nhà nước của ngành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nhấn mạnh, Cục xác định tập trung xây dựng và hoàn thiện chính sách để ngành công nghiệp có nền tảng phát triển bắt kịp xu hướng mới.
Cụ thể, Cục khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, đăng ký bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2025-2026 của Quốc hội; tiếp tục hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định về kinh doanh thuốc lá (thay thế Nghị định số 67/2023/NĐ-CP);
Tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026 – 2035.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các Nghị định, văn bản hướng dẫn Luật Điện lực (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; đồng thời khẩn trương tham mưu để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí, ô tô, thép… nhằm tận dụng cơ hội thị trường rất lớn từ các ngành năng lượng và giao thông trong thời gian tới.
Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn 2035.
Sau khi Luật Địa chất và Khoáng sản có hiệu lực và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật này được thông qua và giao Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định, hướng dẫn những nội dung liên quan, Cục Công nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế và các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 của Bộ Công Thương.
Cục cũng sẽ làm việc với một số địa phương có lợi thế phát triển công nghiệp nhằm phổ biến cơ chế, chính sách mới về ngành và hướng dẫn địa phương trong quá trình xây dựng chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Phối hợp với cơ quan Chính phủ các nước, tổ chức quốc tế, và tập đoàn đa quốc gia triển khai các chương trình/dự án nhằm nâng cao năng lực, phát triển nhà cung cấp nội địa Việt Nam; theo dõi diễn biến thị trường, tình hình phát triển công nghiệp trong và ngoài nước, tăng cường kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, khó khăn và thúc đẩy phát triển công nghiệp.