Bộ Công Thương đang
tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành khảo sát, nghiên cứu
nhằm xây dựng hệ sinh thái tận dụng hiệp định thương mại tự do (hệ sinh thái
FTA) nhằm khai thác tốt hơn nữa ưu đãi từ các FTA, trong đó có Hiệp định Thương
mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) góp sức gia tăng mạnh
mẽ kim ngạch xuất khẩu.
Dù nhiều khó
khăn, ngành dệt may luôn đứng trong top đầu kim ngạch xuất khẩu của cả nước,
việc có được hệ sinh thái FTA giúp kết nối các cơ quan quản lý trung ương; cơ
quan quản lý địa phương; doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp lĩnh vực dệt
may, tổ chức tín dụng; đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu dệt may để tạo thành một
hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các FTA. Đặc biệt là kết
nối được doanh nghiệp dệt may với đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu.
Trong suốt thời
gian dài, việc thiếu nguyên phụ liệu là nút thắt của ngành dệt may trong tận
dụng ưu đãi từ Hiệp định UKVFTA nói riêng và các FTA nói chung. Việc
phụ thuộc quá nhiều nguyên phụ liệu nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của ngành
ở lại trong nước không cao.
Hiệp định UKVFTA,
sau hơn 3 năm triển khai xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường Anh có
cải thiện rõ rệt. Lũy kế 10 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu trên 622,8 triệu
USD giá trị hàng dệt may sang Anh. Dù con số này được ghi nhận ổn định, tuy
nhiên nếu so với những ưu đãi từ hiệp định này mang lại, kim ngạch đạt được
chưa như mong muốn. Bởi lẽ, Hiệp định UKVFTA loại bỏ thuế quan ngay (42,5% số
dòng thuế) hoặc theo lộ trình (từ 2 - 6 năm) đối với các sản phẩm dệt may của
Việt Nam sang Anh.
Ngoài nguyên do
chưa đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ, liên quan đến nguồn gốc nguyên phụ liệu, tại
thị trường Anh, hàng may mặc của Việt Nam đang phải cạnh tranh trực tiếp với
mặt hàng cùng loại đến từ các thị trường thuộc khu vực châu Á như Trung Quốc,
Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Campuchia và một số thị trường thuộc
khu vực EU như Ý, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp.
Trong đó, hàng
may mặc của Trung Quốc vẫn có lợi thế lớn hơn nhờ giá cả cạnh tranh; Bangladesh
vẫn được hưởng ưu đãi miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Anh do thuộc
diện các quốc gia kém phát triển.
Trong thời gian
tới, Anh sẽ tiếp tục giảm nhập khẩu hàng may mặc từ thị trường EU, thay vào đó
đẩy mạnh nhập khẩu từ thị trường ngoại khối, trong đó có Việt Nam. Do đó, để có
thể tận dụng hiệu quả lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại, doanh nghiệp Việt Nam
được khuyến cáo, đáp ứng tốt các yêu cầu, tiêu chuẩn đối với hàng dệt may nhập
khẩu của Anh.
Ngoài ra, nắm bắt
xu hướng thời trang, thị hiếu tiêu dùng của người dân Anh (màu sắc, kiểu cách).
Xu hướng sử dụng nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường. Cùng với đó,
cải tiến, hiện đại hóa công nghệ dệt may để tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ
sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải cũng như giảm thiểu các
ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường, góp phần nâng cao khả
năng cạnh tranh cũng như uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt
Nam ngày càng năng động, đặc biệt những doanh nghiệp trẻ, có những kỹ năng mới
về công nghệ số, tiếp thị trên các nền tảng dựa trên kỹ thuật số, giúp việc tìm
kiếm thông tin nhanh hơn và nhiều hơn so với các phương pháp truyền thống.
Tuy nhiên vẫn có
doanh nghiệp chưa chủ động nghiên cứu, tìm kiếm thông tin thị trường, kể cả
những thông tin cơ bản nhất. Một số doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm tốt nhưng
không có phương pháp tiếp cận thị trường. Đây là điểm yếu cần khắc phục.
Doanh nghiệp Việt
Nam xuất khẩu sang Anh cần phải tra cứu kỹ lưỡng thông tin về thị trường, doanh
nghiệp, đối tác, tránh trường hợp bị lừa đảo, gian lận. Cần kiểm soát chặt chẽ
toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng vệ sinh an
toàn thực phẩm…; xác định rõ phân khúc thị trường; nghiên cứu chuyên sâu về thị
hiếu, xu hướng thị trường.