Ai Cập là nước
nhập siêu, hiện có thâm hụt thương mại lớn, trung bình trên 40 tỷ USD/năm. Quốc
gia này có mức thuế nhập khẩu cao (từ 40-60%), có nhiều rào cản phi thuế quan,
và yêu cầu mức giá cạnh tranh.
Ai Cập hiện đang
có rất nhiều chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất trong nước. Hiện nay, quốc
gia này đã ký 7 FTA đa phương, 3 FTA song phương, và có 1 FTA đang trong quá
trình đàm phán.
Việt Nam là nước
xuất siêu lớn sang Ai Cập, với tổng giá trị xuất khẩu từ 450 - 500 triệu
USD/năm, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu
các mặt hàng nông sản nguyên liệu và thủy sản vào Ai Cập, do thuế nhập khẩu
thấp. Ngược lại, một số mặt hàng tại Ai Cập khó cạnh tranh tại Việt Nam, do có
thuế nhập khẩu cao.
Theo thống kê, trong
11 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu đạt 429 triệu USD, tăng 8,3% so với
cùng kỳ năm 2023. Một số mặt hàng chiếm thị phần cao của Việt Nam tại Ai Cập
bao gồm: Hạt điều (77,1%), cơm dừa sấy khô (72,8%) và phi lê cá đông lạnh
(96%).
Vào tháng 7/2023,
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra đề xuất
khởi động đàm phán với Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly và Bộ trưởng Hợp tác
Quốc tế Rania Al-Mashat trong chuyến công tác tại Cairo. Đến tháng 10/2024, Thủ
tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mostafa Madbouly đã hội đàm bên lề Hội nghị
Sáng kiến Đầu tư Tương lai tại Saudi Arabia và thống nhất thúc đẩy tiến trình
đàm phán FTA.
Ngày 1/11/2024,
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chính thức gửi thư đề xuất đến Bộ trưởng Bộ Đầu tư
và Ngoại thương Ai Cập Hassan El Khatib. Tiếp đó, vào tháng 11/2024, Vụ Thị
trường châu Á - châu Phi đã làm việc với Vụ Hiệp định và Ngoại thương Ai Cập để
thảo luận chi tiết về nội dung liên quan.
Gần đây nhất,
ngày 20/11/2024, Vụ Hiệp định và Ngoại thương Ai Cập đã gửi thư đề xuất thành
lập nhóm nghiên cứu thương mại chung để trao đổi kỹ thuật. Đề xuất này dự kiến
sẽ được bàn thảo bên lề Phiên họp lần thứ 3 của Tiểu ban hợp tác thương mại và
công nghiệp Việt Nam - Ai Cập, dự kiến tổ chức vào quý I/2025.
Về những trở ngại
và cơ hội trong quá trình đàm phán FTA với Ai Cập. Về trở ngại, Ai Cập có xu
hướng hạn chế ký kết hiệp định thương mại song phương, trong khi thâm hụt
thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập ở mức cao, khiến nước này khó cân bằng cán
cân thương mại. Bên cạnh đó, quan hệ đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Ai Cập còn
hạn chế và phía các nhà đầu tư hiện đang thiếu sự quan tâm vào thị trường này.
Hiện nay, quan hệ
giữa Việt Nam và Ai Cập là vô cùng tốt đẹp và Ai Cập cũng đang mong muốn mở
rộng thị trường sang khu vực Đông Nam Á thông qua Việt Nam. Nền kinh tế Ai Cập
cũng đang phát triển mạnh mẽ đi kèm nhu cầu thu hút đầu tư và vốn. Đặc biệt,
giới chức Ai Cập đã có phản hồi tích cực với đề xuất đàm phán FTA từ Việt Nam,
và gần đây đã ký FTA với Serbia, dù quan hệ thương mại giữa hai quốc gia này là
không lớn.
Ai Cập có thể yêu
cầu Việt Nam mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản chủ lực như nho,
lựu, chà là, khoai tây và hành tây. Đồng thời, Ai Cập có thể đặt vấn đề chuyển
giao công nghệ kỹ thuật và nuôi trồng thủy sản từ Việt Nam, và thúc đẩy nước ta
đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất của Ai Cập. Ai Cập cũng có thể yêu cầu
thời hạn cụ thể và chứng minh xuất xứ hàng hóa cho hàng công nghiệp xuất khẩu
từ Việt Nam, do lo ngại về gian lận thương mại.
Đã có một số đề
xuất đề thúc đẩy đàm phán FTA giữa 2 nước trong thời gian tới. Cụ thể, Việt Nam
cần đẩy mạnh tổ chức Phiên họp lần thứ 3 của Tiểu ban thương mại và công
nghiệp, đồng thời phản hồi tích cực về đề xuất thành lập nhóm nghiên cứu thương
mại chung. Ngoài ra, cần sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 6 của Ủy ban Hỗn hợp Việt
Nam - Ai Cập với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, đặc biệt trong lĩnh
vực nông nghiệp và đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ
Công Thương cần xây dựng cơ sở dữ liệu chi tiết về doanh nghiệp xuất khẩu theo
ngành hàng và khu vực thị trường, đồng thời công bố danh sách doanh nghiệp xuất
khẩu uy tín hàng năm. Theo ông Nguyễn Duy Hưng, việc hỗ trợ tìm kiếm các doanh
nghiệp có năng lực cung cấp và kinh nghiệm xuất khẩu sang khu vực mới là rất
quan trọng, nhằm khắc phục những khó khăn hiện tại trong việc mở rộng thị
trường./.