Bộ Tài chính ban hành Thông tư bãi bỏ 16
Thông tư trong lĩnh vực quản lý giá
Ngày 17 tháng 6 năm 2025, nhằm đồng bộ hóa
hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá, đặc biệt sau khi Luật Giá 2023 và một
loạt các Nghị định hướng dẫn thi hành được ban hành, Bộ Tài chính đã ký ban
hành Thông tư số 42/2025/TT-BTC về việc bãi bỏ toàn bộ 16 Thông tư liên quan đến
lĩnh vực quản lý giá.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 2 tháng 8 năm
2025, đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng trong công tác quản lý giá của
nhà nước. Việc bãi bỏ hàng loạt văn bản cũ được coi là động thái cần thiết để
tránh chồng chéo, mâu thuẫn và tạo ra một hệ thống pháp lý nhất quán, minh bạch
hơn.
Vì sao lại bãi bỏ hàng loạt Thông tư? Vì việc
ban hành Luật Giá 2023 đã thay thế hoàn toàn Luật Giá cũ, đồng thời nhiều Nghị
định mới cũng được Chính phủ ban hành để cụ thể hóa các quy định của Luật, như
Nghị định số 78/2024/NĐ-CP về thẩm định giá hay Nghị định số 85/2024/NĐ-CP quy
định chi tiết một số điều của Luật Giá, Nghị định số 87/2024/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2024 của Chính
phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá.
Danh sách các Thông tư bị bãi bỏ
Thông tư số 42/2025/TT-BTC đã bãi bỏ toàn
bộ 16 Thông tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trong giai đoạn từ năm 2014 đến
2021. Đáng chú ý, các Thông tư này bao trùm nhiều lĩnh vực quan trọng như:
- Xử phạt vi phạm
hành chính về giá:
Các Thông tư hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.
- Thẩm định giá và định
giá:
Các Thông tư quy định về phương pháp định giá, cơ sở dữ liệu quốc gia về giá,
và khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản.
- Giá dịch vụ công
ích:
Nhiều Thông tư quy định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực thủy
lợi, kiểm nghiệm thuốc, chẩn đoán thú y...
Việc bãi bỏ các văn bản này là cơ sở để
các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cập nhật và áp dụng các quy định mới của
Luật Giá 2023 và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực từ
ngày 2 tháng 8 năm 2025. Quyết định bãi bỏ này thể hiện cam kết của Bộ Tài
chính trong việc cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật
tinh gọn, dễ tra cứu và áp dụng./.