Đến nay, cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ
trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở
hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh
tranh trên thị trường quốc tế. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng
giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020. Tỷ trọng giá trị xuất
khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.
Đáng chú ý, 4 tháng đầu năm 2025, sản xuất công nghiệp Việt Nam ghi
nhận mức tăng trưởng ấn tượng, với chỉ số sản xuất toàn ngành (IIP) tăng 8,4%
so với cùng kỳ - mức cao nhất kể từ năm 2020. Động lực tăng trưởng tiếp tục đến
từ ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 10,1%, khẳng định vai trò then chốt
trong cơ cấu công nghiệp. Nhiều lĩnh vực có mức tăng vượt bậc như sản xuất cao
su - nhựa tăng 27,5%, thiết bị điện tăng 24,7%, hóa chất tăng 24,3%, dệt tăng
14,5%.
Một dấu ấn đáng ghi nhớ khi báo cáo cạnh tranh công nghiệp của
UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền
kinh tế công nghiệp mới nổi”, cho thấy năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được
cải thiện đáng kể.
Điều quan trọng ghi dấu ấn khi công nghiệp trở thành ngành
có tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước, chiếm hơn 90% tổng kim
ngạch xuất khẩu của cả nước. Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực,
giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp,
tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao (tỷ trọng
công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm
2020). Đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn
có tiềm năng vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
NTXT