Trong tháng 5/2025, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 5,18% so với tháng trước và tăng 13,66% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế 5 tháng đầu năm, chỉ số IIP tăng 9,32% so với cùng kỳ. trong đó: ngành khai khoáng tăng 6,46%, ngành công nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo tăng 9,68%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 1,77%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,91%. Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm đạt mức tăng khá so cùng kỳ như: Chế biến thực phẩm tăng 3,54%, Dệt tăng 8,71%; May mặc tăng 8,03%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,03%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 17,13%; Sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 10,86% v.v… một số ngành sản xuất khác như: Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 13,91%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,1%; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 15,89%; Sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 10,73%; Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 12,52%; Sản xuất kim loại tăng 14,34%. Nguyên nhân khiến hầu hết các ngành sản xuất tăng trưởng trong 5 tháng là do đơn hàng sản xuất tăng cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi và xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, thị trường trong nước cũng đang có xu hướng mở rộng nên các ngành đều có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước.
- Chỉ số sản phẩm công nghiệp: Lũy kế 5 tháng đầu năm 2025 có 22/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so cùng kỳ đó là: Cà phê các loại đạt 188,5 nghìn tấn, tăng 7,35%; Thuốc lá sợi đạt 7.805 tấn, tăng 14,09%; Quần áo các loại đạt 115,5 triệu cái; tăng 9,07%; Giầy dép các loại đạt 200,3 triệu đôi, tăng 12,4%; Thuốc trừ sâu đạt 5.885,4 tấn, tăng 16,73%; Sơn các loại đạt 55,7 ngàn tấn, tăng 7,95%; Săm, lốp xe các loại đạt 43,6 ngàn cái, tăng 12,66%; Sản phẩm kim loại đạt 203,5 ngàn tấn, tăng 6,21%; Máy giặt đạt 188,4 ngàn cái, tăng 20,69%; Giường, tủ, bàn ghế đạt 5.425,5 ngàn cái, tăng 8,78%... với sự tăng trưởng nhiều sản phẩm chủ lực như trên cho thấy dấu hiệu phục hồi trong sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên có một số sản phẩm giảm do tình hình sản xuất phục hồi chậm đơn hàng sản xuất chưa nhiều, mặt khác do thị trường trong nước tiêu thụ chậm, nên sản lượng sản xuất giảm so cùng kỳ như: Vải các loại (-0,77%); Điện thương phẩm (-0,38%).
- Chỉ số tiêu thụ: Tiêu thụ sản phẩm tháng 5, 5 tháng năm 2025 có mức tăng đáng kể, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp trong tháng 5 tăng 4,03% so với tháng 04/2025 và tăng 11,16% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2025 chỉ số tiêu thụ tăng 8,03% so cùng kỳ. Đây là chỉ số có mức tăng truởng cao chứng tỏ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn sản xuất tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có mức thanh khoản cao song song với việc sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu và tiến độ giao hàng với khách hàng trong bối cảnh tình hình chính trị và chiến tranh thương mại trên thế giới đang diễn ra hết sức phức tạp.
- Chỉ số tồn kho: Toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 05/2025 dự ước tăng 21,43% so với tháng 04/2025 và tăng 11,53% so tháng 5 năm 2024. Một số ngành chỉ số tồn kho tăng so tháng trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+22,01%); Dệt (+75,04%); Sản xuất trang phục (+19,91%); Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (+20,31%); Sản xuất kim loại (+ 69,59%); Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (+11,44%); Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (+11,93%)…., kết quả chỉ số trên cho thấy mặc dù sản lượng sản phẩm tồn kho cao không phải là doanh nghiệp không tiêu thụ sản phẩm được mà là do doanh nghiệp dự trữ sản phẩm chờ đủ số lượng sản phẩm xuất bán theo yêu cầu của khách hàng.
- Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tháng 5/2025 giảm 0,18% so với tháng trước và tăng 1,81% so tháng cùng kỳ. Dự ước 5 tháng đầu năm 2025 chỉ số sử dụng lao động tăng 4,90% so cùng kỳ, trong đó khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5% và mức tăng mạnh là Doanh nghiệp ngoài quốc doanh (+ 7,64%); Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (+ 4,8%). Nguyên nhân là do tình hình sử dụng lao động 5 tháng năm nay các doanh nghiệp có nhiều đơn hàng hơn, nên nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, nhất là các doanh nghiệp sử dụng lao động ở các ngành da giày, may mặc…