Tháng 01 năm 2025 trùng vào Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc, sản xuất công nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất sản phẩm hàng hóa tiêu dùng phục vụ Tết và bước vào sản xuất hàng hóa theo các hợp đồng đã ký đầu năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2025 ước tính giảm 11,84% so với tháng trước và giảm 5,88% so với cùng kỳ năm trước; hầu hết các sản xuất đều giảm so tháng trước và so cùng kỳ. Trong đó ngành khai khoáng giảm 10,35%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,98%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 4,06%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 0,35% và có 22/27 ngành sản xuất giảm và 5/27 ngành tăng so cùng kỳ. Nguyên nhân chỉ số sản xuất tháng 01/2025 so với tháng 12/2024 và giảm so tháng cùng kỳ năm 2024 là do tháng 01/2025 là tháng trùng vào Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp phải nghỉ sản xuất từ 7-10 ngày, gián đoạn đến tình hình sản xuất, bên cạnh đó một số doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do thiếu đơn hàng.
Tháng 01/2025 một số ngành công nghiệp chủ lực cấp II có chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống giảm 2,67%, Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 8,51%; May mặc giảm 9,40%; Giày da giảm 5,77%; Dệt giảm 9,73%; sản xuất hóa chất giảm 6,87% v.v… một số ngành sản xuất khác như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 5,37%; sản xuất kim loại đúc sẵn giảm 3,85%; sản xuất thiết bị điện giảm 6,98%, sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu giảm 9,83% v.v… Dự tính tháng 01năm 2024 có 22/27 ngành sản xuất chỉ số giảm so cùng kỳ và có 5/27 ngành tăng so cùng kỳ đó là: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (+1,52%); Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu (+1,65%); Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (+1,65%); Khai thác, xử lý và cung cấp nước (+0,2%); Thoát nước và xử lý nước thải (+2,97%).
- Chỉ số tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp trong tháng 01/2025 ước tính giảm 10,47% so với tháng 12/2024 và giảm 3,83% so với tháng cùng kỳ, trong đó có 17/22 ngành chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ đó là: Sản xuất trang phục giảm 6,64; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 1,39%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất giảm 14,10%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 13,63%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 4,78%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 17,64%; Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 9,6%; sản xuất xe có động cơ giảm 15,69%...
- Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2025 dự ước giảm 1,57% so với tháng 12/2024 và giảm 44,26% so tháng cùng kỳ năm trước. Một số ngành chỉ số tồn kho tăng so tháng trước như: ngành dệt (+6,46%); Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (+30,09%); sản xuất hòa chất và các sản phẩm hóa chất (+4,3%); Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+13,47%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (+9,07%); Sản xuất phương tiện vận tải khác (10,27%); Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (+17,5%) v.v… Nguyên nhân chỉ số tồn kho tăng là do các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tăng sản lượng sản xuất để đảm bảo lượng hàng tiêu thụ trong dịp Tết; mặt khác do sắp tới nghỉ Tết, nên người lao động sẽ về quê đón Tết, nên các doanh nghiệp phải chủ động sản xuất để đảm bảo cho đơn hàng.
- Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số lao động trong các doanh nghiệp tháng 01/2025 tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 6,16% so tháng cùng kỳ, trong đó: doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,05% so tháng trước và giảm 0,87% so tháng cùng kỳ; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 1,54% so tháng trước và tăng 9,31% so tháng cùng kỳ; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng 0,47% so tháng trước và tăng 6,03% so tháng cùng kỳ. Nguyên nhân chỉ số sử dụng lao động tháng 01 năm nay tăng cao so cùng kỳ là do năm năy các doanh nghiệp có nhiều đơn hàng ngay từ đầu năm nên nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao nhất là các doanh nghiệp sử dụng lao động thời vụ trong dịp Tết Nguyên đán.