Nhiều tuyến dịch vụ vận chuyển mới được các hãng tàu ký kết với các cảng biển Việt Nam đưa vào hoạt động, tạo cơ hội lớn cho hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Mỗi tuần có gần 50 tuyến dịch vụ quốc tế
Mới đây, Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) đã đón chuyến tàu đầu tiên mang tên IRENES RAINBOW thuộc tuyến dịch vụ KTX2 do hãng tàu OOCL khai thác, kết nối Việt Nam với các thị trường trọng điểm châu Á như: Thái Lan, Nhật Bản và Trung Quốc.
Tuyến dịch vụ KTX2 với hải trình: TCIT – Shekou – Tokyo – Yokohama – Nagoya – Kobe – Quanzhou – Ho Chi Minh – Laem Chabang – TCIT, sẽ cập cảng TCIT hàng tuần, kết nối hàng hóa Việt Nam với các thị trường châu Á.
Theo ông Kim JongEup, Tổng Giám đốc TCIT, trong những tháng đầu năm 2025, đã có nhiều thay đổi lớn với tác động toàn diện toàn diện và tái định hình lại bản đồ hàng hải thế giới. Việc hãng tàu OOCL lựa chọn TCIT triển khai tuyến dịch vụ mới sẽ góp phần hiện thực hóa những mục tiêu và tầm nhìn của hãng tàu và TCIT trong bối cảnh mới.
Giới thiệu về tuyến dịch vụ mới, ông Tiger Dai, Tổng Giám đốc OOCL (Việt Nam) chia sẻ, hàng hóa được vận chuyển trên tàu IRENES RAINBOW có trọng tải 37 nghìn tấn, chiều dài 186 mét và sức chở 2.800 Teu, thuộc đội tàu gồm 4 tàu mẹ với sức chở trung bình 2.500 – 3.000 Teu. “Chúng tôi tin tưởng rằng, tuyến KTX2 sẽ mang lại giá trị vượt trội cho khách hàng, tăng cường khả năng kết nối khu vực và góp phần xây dựng một chuỗi cung ứng đa dạng và linh hoạt hơn.”
Trước đó, vào tháng 2/2025, 3 tuyến dịch vụ mới do Liên minh Premier khai thác đã cập cảng TCIT mở ra những cơ hội kết nối tối ưu, giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tận dụng lợi thế cạnh tranh trong thương mại toàn cầu.
Với đội tàu hơn 300 tàu container, sức chở 3 triệu Teu, liên minh Premier đã triển khai 24 tuyến dịch vụ tập trung vào các tuyến hàng hải Á - Âu, Mỹ và Địa Trung Hải; hoạt động với mục tiêu mang lại lợi ích cho tất cả các bên thông qua việc cung cấp các giải pháp vận chuyển tối ưu về giá cả, tuyến đường và thời gian giao hàng.
Trong những tháng đầu năm 2025, cụm cảng Cái – Thị Vải (Bà Rịa- Vũng Tàu) chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các tuyến dịch vụ mới, khi các liên minh hãng tàu toàn cầu mở thêm hơn chục tuyến tại khu vực này. Liên minh Premier, tái cấu trúc từ THE Alliance, đã bắt đầu vận hành với đội tàu hơn 300 chiếc và 24 tuyến dịch vụ hướng đến các thị trường Á - Âu, Mỹ và Địa Trung Hải.
Bên cạnh đó, cảng TCIT đón chuyến tàu đầu tiên của tuyến ZSL/Pelican do ZIM và MSC khai thác, giúp nâng cao khả năng kết nối và tối ưu hóa cạnh tranh cho xuất khẩu Việt Nam.
Với khả năng tiếp nhận được cỡ tàu lớn nhất trên thế giới và năng lực vận hành đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu vực cảng container nước sâu Cái Mép – Thị Vải hiện đang tiếp nhận 47 tuyến dịch vụ quốc tế hàng tuần, trong đó chủ yếu là các tuyến kết nối trực tiếp Việt Nam với các thị trường xuất khẩu chiến lược như Hoa Kỳ và châu Âu.
Việc hãng tàu OOCL triển khai thêm tuyến dịch vụ KTX2 tại TCIT không chỉ mở rộng thêm lựa chọn dịch vụ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực, mà còn góp phần đa dạng hóa mạng lưới vận tải biển, nâng cao tính linh hoạt trong vận hành chuỗi cung ứng, và đặc biệt là mở rộng khả năng kết nối nội Á – một khu vực đang nổi lên mạnh mẽ trong bản đồ thương mại toàn cầu.
Trước đó, tại TP. Hồ Chí Minh, vào đầu tháng 4/2025, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cảng Tân Cảng Hiệp Phước cùng với cảng quốc tế Thượng Hải (SIPG), hãng tàu Shanghai Jinjiang -Trung Quốc (SJJ) và hãng tàu Matson (Hoa Kỳ) đã ký kết thỏa thuận hợp tác và khai trương tuyến dịch vụ vận tải container tốc hành kết nối trực tiếp từ TP. Hồ Chí Minh – Thượng Hải – Bờ Tây Hoa Kỳ.
Tuyến dịch vụ tốc hành TP. Hồ Chí Minh – Thượng Hải – Bờ Tây Hoa Kỳ là một trong những tuyến dịch vụ vận tải container nhanh nhất hiện nay với thời gian vận chuyển chỉ 17 ngày. Tuyến dịch vụ này được hợp tác khai thác bởi Hãng tàu Shanghai Jinjiang - vận chuyển hàng từ TP. Hồ Chí Minh đến Thượng Hải và hãng tàu Matson vận chuyển hàng từ Thượng Hải đi Hoa Kỳ.
Thêm cơ hội cho hàng hóa xuất nhập khẩu
Không chỉ mở thêm các tuyến dịch vụ vận tải, các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển còn chú trọng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, góp phần đa dạng dịch vụ vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy giao thương với các nước.
Là nhà khai thác cảng biển, dịch vụ logistics hàng đầu Việt Nam, với hơn 55% thị phần container xuất nhập khẩu của Việt Nam được thông qua các cơ sở cảng của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Trong những năm qua, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các hãng tàu lớn trong lĩnh vực hàng hải, logistics của Trung Quốc như: Cosco, SITC, CU Lines, Shanghai Jinjiang, Hede, Sinotrans, Taicang, Ningbo đang hợp tác rất hiệu quả.
Tại hội thảo “Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng cường giao thương Việt Nam - Trung Quốc” nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại sâu rộng và bền vững giữa các doanh nghiệp của hai quốc gia, các doanh nghiệp khẳng định tầm quan trọng của việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng cường giao thương là cầu nối trong việc hợp tác bền vững, kết nối thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Từ việc mở rộng cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ đến thúc đẩy các giải pháp xanh, tất cả đều hướng tới một mục tiêu chung: Xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả, tối ưu hóa và có khả năng thích ứng trước những biến động của nền kinh tế toàn cầu.
Tại buổi làm việc giữa Cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải (TCTT) đại diện Tập đoàn TCC Group (Thái Lan) vừa qua, TCC Group đặc biệt quan tâm đến khả năng khai thác dịch vụ vận tải thủy kết nối với hệ thống cảng ICD, tận dụng lợi thế trung chuyển hàng hóa từ Thái Lan, Campuchia qua Việt Nam.
TCC Group thông báo kế hoạch đưa tàu vào khai thác tại TCTT trong thời gian tới. Điều này không chỉ mở ra cơ hội phát triển tuyến dịch vụ vận tải biển mới, mà còn củng cố sự kết nối logistics giữa Thái Lan và Việt Nam.
Việc hợp tác với TCC Group - tập đoàn logistics hàng đầu Thái Lan, sẽ giúp TCTT mở rộng thị phần, đồng thời khẳng định vị thế là cảng nước sâu hàng đầu Việt Nam, sẵn sàng đón nhận cơ hội hợp tác quốc tế.
Theo ông Trương Tấn Lộc, Chủ tịch Hội đồng thành viên TCIT, hiện nay, TCIT tiếp nhận 10 tuyến dịch vụ Quốc tế hàng tuần kết nối trực tiếp Việt Nam với các thị trường trọng điểm gồm Bắc Mỹ, châu Âu và nội Á. Là điểm đến tin cậy của các hãng tàu hàng đầu thế giới, TCIT tự hào góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành hàng hải và kinh tế quốc gia.
Thời gian tới, bên cạnh vai trò là một nhà khai thác cảng container nước sâu và điểm trung chuyển quốc tế, TCIT định hướng sẽ đầu tư, mở rộng các mảng kinh doanh hậu cần sau cảng như Depo, ICD tại khu vực Cái Mép- Thị Vải, nhằm cung cấp giải pháp logistics toàn diện và các dịch vụ giá trị gia tăng, đáp ứng tối ưu nhu cầu của các hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Điều này không chỉ tăng cường sự liên kết giữa các khu công nghiệp và trung tâm sản xuất với hệ thống cảng biển, mà còn tạo điều kiện thuận lợi giúp hàng hóa Việt Nam mở rộng thị trường và vươn ra thế giới./.