Tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU tăng trưởng ổn định về lượng, giá và phân khúc sản phẩm. Doanh nghiệp Việt với chiến lược bài bản có thể coi đây là cơ hội đa dạng thị trường trước chính sách thuế quan từ Mỹ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất Khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 4/2025 tăng mạnh, dự tính sẽ đạt 1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thúy sản ước đạt khoảng 3,45 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với mặt hàng tôm, xuất khẩu trong tháng 4/2025 dự tính đạt 350 triệu USD, tăng 24% so với tháng 4/2024; đưa kết quả xuất khẩu tôm 4 tháng lên gần 1,3 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Giá xuất khẩu trung bình của tôm chân trắng đi EU giữ ổn định ở mức 7,6 USD/kg, trong khi tôm sú ghi nhận mức tăng nhẹ, đạt 10,9 USD/kg trong tháng 3 – phản ánh nhu cầu cải thiện và phân khúc cao cấp có nhiều dư địa phát triển.
EU không chỉ là một thị trường giàu tiềm năng, mà còn sở hữu hệ sinh thái tiêu dùng đa dạng, từ phổ thông đến cao cấp. Người tiêu dùng châu Âu có xu hướng ưa chuộng thủy sản, đặc biệt là tôm, nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao và lợi ích sức khỏe rõ rệt. Trong đó, các sản phẩm tiện lợi, chế biến sẵn và có giá cả hợp lý đang ngày càng được ưa chuộng.
Theo VASEP, từ ngày 6–8/5/2025, sự kiện Triển lãm Thủy sản toàn cầu lần thứ 31 (Seafood Expo Global 2025) sẽ diễn ra tại Fira de Barcelona, Tây Ban Nha. Đây là sự kiện thương mại thủy sản lớn nhất thế giới và là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá hình ảnh tôm Việt tới thị trường EU và toàn cầu – đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc, Ấn Độ và Ecuador.
Việc tham gia triển lãm không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp nhà nhập khẩu, phân phối, chuỗi siêu thị châu Âu, mà còn là cơ hội để cập nhật xu hướng tiêu dùng, tiêu chuẩn kỹ thuật mới, và tìm hiểu sâu hơn về chuỗi cung ứng hiện đại.
Để tận dụng lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần có chiến lược nâng cấp năng lực sản xuất và chế biến; đầu tư công nghệ hiện đại, nâng tỷ trọng chế biến sâu; phát triển các dòng sản phẩm chế biến sẵn mang hương vị truyền thống Việt Nam; mở rộng vùng nuôi đạt chuẩn quốc tế (ASC, BAP, GlobalG.A.P...) để tăng khả năng tiếp cận các chuỗi bán lẻ lớn.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia cho tôm Việt Nam tại EU. Đồng thời thiết lập kho ngoại quan tại các nước trung tâm logistics như Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Ý; kết nối trực tiếp với nhà phân phối, siêu thị tại EU để rút ngắn chuỗi cung ứng./