Khi thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phổ biến tại Việt Nam với hơn 61 triệu người dùng, yêu cầu định danh người bán thông qua VNeID được xem là bước đi cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo minh bạch trong giao dịch TMĐT. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là đối với nhóm kinh doanh nhỏ lẻ.
Siết chặt quản lý người bán
Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện có hơn 61 triệu người tại Việt Nam sử dụng các nền tảng TMĐT, có nghĩa cứ 5 người thì có 3 người tham gia mua sắm trực tuyến.
Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển mạnh mẽ là hàng loạt hệ lụy. Việc người dùng phải chia sẻ thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng trên nhiều nền tảng TMĐT khiến nguy cơ bị rò rỉ dữ liệu, lừa đảo hay đánh cắp danh tính ngày càng gia tăng.
Gần đây, xuất hiện nhiều trường hợp giả mạo sàn TMĐT nhằm gửi các đường link lừa đảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn đang là vấn đề nhức nhối, nhất là trong các đợt giảm giá lớn. Thực tế không phải sàn TMĐT nào cũng có khả năng kiểm duyệt chất lượng hàng hóa chặt chẽ. Việc giao hàng nhanh, liên tục cũng tạo áp lực lên hệ thống vận chuyển và gây ô nhiễm môi trường do lượng rác thải bao bì tăng mạnh.
Thực trạng này đặt ra yêu cầu cần thiết định danh và xác thực thông tin người bán.
Theo đó, người bán khi tham gia sàn TMĐT buộc phải xác thực các thông tin như: tên thương nhân, địa chỉ, mã số định danh cá nhân và mã số thuế trước khi được phép cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Hồi tháng 1/2025, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu và đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan nhằm siết chặt quản lý người bán trên nền tảng TMĐT.
Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp cùng Bộ Công an và các đơn vị chức năng để áp dụng các biện pháp kỹ thuật sàng lọc, cảnh báo và ngăn chặn những gian hàng không tuân thủ quy định. Trong trường hợp phát hiện gian hàng vi phạm có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong hoạt động thương mại.
Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TTMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) nhấn mạnh sự cần thiết của việc xác thực điện tử người bán trên các nền tảng TMĐT. Theo bà Hà, việc kết nối với hệ thống VNeID là để tăng cường quản lý hoạt động TMĐT, đặc biệt là người bán, trở nên minh bạch hơn.
Các biện pháp trên sẽ lần lượt triển khai theo lộ trình. Giai đoạn đầu, cơ quan quản lý tập trung tuyên truyền, hỗ trợ và nhắc nhở. Nếu người bán vẫn cố tình không thực hiện đúng quy định, các hình thức xử lý nghiêm khắc hơn như cảnh cáo, tạm khóa hoặc chấm dứt hoạt động sẽ được áp dụng.
Sàn thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng
Bám sát các quy định, chủ trương của cơ quan quản lý, các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Sendo đã chủ động phối hợp với cơ quan liên quan, các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh hướng dẫn nhà bán hàng, tổ chức, cá nhân cập nhật thông tin và kê khai, xác thực thông tin qua VNeID.
Các sàn TMĐT khẳng định, dữ liệu cá nhân của người bán sẽ được mã hóa và chỉ phục vụ cho mục đích quản lý, không chia sẻ cho bên thứ ba nếu không có sự đồng ý của người bán. Nhờ vậy, quá trình định danh của người bán trở nên thuận tiện và an toàn.
Mặc dù vậy, quá trình triển khai vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ và cá nhân tỏ ra bối rối với việc sử dụng công nghệ số, đặc biệt là thao tác với ứng dụng định danh điện tử như VNeID. Một số tiểu thương lo ngại chi phí phát sinh cũng như rào cản kỹ thuật trong quá trình kê khai và xác thực thông tin.
Ông Đỗ Hoàng Minh – nhà bán hàng lâu năm trên sàn Shopee chia sẻ: Định danh người bán là cần thiết, nhưng quá trình triển khai cần có sự đồng hành, hỗ trợ của các sàn TMĐT. Lộ trình triển khai phù hợp, nhà bán hàng mới kịp thời thích nghi, điều chỉnh hoạt động kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, sàn TMĐT đóng vai trò đồng hành quan trọng. Các sàn cần công khai quy trình xử lý vi phạm, minh bạch cơ chế khiếu nại – tố cáo để người tiêu dùng có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Quan trọng hơn, nếu không có chính sách hỗ trợ người bán, có thể gây ra những xáo trộn đáng kể đối với nhóm tiểu thương – lực lượng chiếm phần lớn trong hệ sinh thái TMĐT.
Việc đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo kỹ năng số và hỗ trợ kỹ thuật cho người bán cũng cần thiết để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số. Lộ trình thực hiện cần đủ linh hoạt để vừa đạt mục tiêu quản lý vừa tạo điều kiện cho nhà bán hàng, doanh nghiệp, cá nhân thích nghi dần với quy định mới./.