Dù là vùng sản xuất lớn, Việt Nam vẫn tăng mạnh nhập khẩu dừa chế biến, dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng
trong nhóm quả 4 tháng đầu năm 2025. Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội Rau quả
Việt Nam, 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi 7,2 triệu USD để nhập khẩu dừa chế
biến, tăng 11,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
ông Cao Bá Đăng Khoa - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội
Dừa Việt Nam - cho hay, trong thời gian qua, ngành dừa nguyên liệu của
Việt Nam bị ‘chảy máu’ sang thị trường Campuchia, Thái Lan và Trung Quốc.
Nguyên nhân do, trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng
4/2025, xuất khẩu dừa nguyên liệu sang Thái Lan tăng mạnh. Thái Lan đang chuyển
đổi giống cây trồng từ dừa nguyên liệu sang dừa uống nước. Do đó, họ tăng cường
nhập khẩu dừa nguyên liệu của Việt Nam qua đường Campuchia. Bên cạnh đó, các
doanh nghiệp Trung Quốc cũng tăng cường chế biến thô, sơ chế, cấp đông, do đó,
họ cũng đẩy mạnh nhập khẩu dừa nguyên liệu.
Các nhà máy dừa trong nước chế biến sâu phải sản xuất cầm chừng.
Mất cân bằng nguyên liệu buộc các doanh nghiệp chế biến trong nước phải đẩy mạnh
nhập khẩu của Indonesia.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu này cũng chỉ diễn ra tạm thời do
Indonesia đang trong lộ trình áp dụng thuế xuất khẩu dừa 80% để bảo vệ nguyên
liệu trong nước và kêu gọi đầu tư vào công nghiệp chế biến tại đây.
Cũng theo ông Cao Bá Đăng Khoa, so với cùng kỳ năm ngoái,
giá dừa nguyên liệu tăng 500 - 600%. Còn với dừa tươi, do hiệu ứng truyền thông
xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ nên giá dừa tươi trong nước
cũng tăng từ 200-250% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cả nước hiện có hơn 850 doanh nghiệp sản xuất, chế biến với
hơn 100 sản phẩm và hơn 200 loại thực phẩm có sử dụng nguyên liệu từ cây dừa. Đặc
biệt trong số này, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chế biến sâu, đưa Việt Nam
trở thành quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 trong khu vực châu Á
- Thái Bình Dương.
Dừa khô đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu
(khoảng 74%). Trong những năm qua, ngành dừa chế biến của Việt Nam cũng đã bước
sang trang mới khi ngành công nghiệp chế biến được nâng tầm.
Là một trong những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa, ông
Trần Văn Đức - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Beinco - cho hay, hiện các sản
phẩm dừa chế biến của doanh nghiệp đã xuất khẩu đến hơn 43 thị trường. Đặc biệt,
thương hiệu độc quyền “Delta Coco” của Beinco đã có mặt ở châu Mỹ, châu Âu,
Trung Đông… đồng thời đang giao dịch trên sàn thương mại điện tử cả trong nước
và nước ngoài.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa và sản phẩm từ dừa của Việt
Nam đạt gần 1,1 tỷ USD, trong đó dừa tươi đóng góp 390 triệu USD. Dù ghi nhận
nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên, theo ông Cao Bá Đăng Khoa, do giá nguyên liệu
tăng quá cao, do đó, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đặt ra cho ngành dừa năm
2025 dự báo sẽ không đạt được.
NTXT