Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính
phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,
giai đoạn 2021–2030 được đánh giá là kim chỉ nam để rút ngắn khoảng cách phát
triển giữa các vùng miền. Trong bức tranh tổng thể đó, ngành Công Thương đóng
vai trò then chốt như một chiếc cầu nối thị trường, giúp sản phẩm vùng cao
không chỉ "có nơi tiêu thụ" mà còn được nâng tầm giá trị.
Theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước – Bộ
Công Thương, triển khai Quyết định 1719, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt
các hoạt động như đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ Công Thương cũng xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt “Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến
năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Chương trình phát triển thương mại miền núi,
vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025…
Ngoài các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi nêu trên, Bộ Công Thương đã tham mưu cấp có thẩm
quyền ban hành hoặc trực tiếp ban hành và triển khai nhiều Chương trình xúc tiến
thương mại, trọng tâm là thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ
nông sản, sản phẩm OCOP vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau gần 5
năm triển khai, chương trình đã mang lại những kết quả nổi bật, đặc biệt là đã
hình thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm hiệu quả không chỉ ở thị trường nội địa mà
còn định danh sản phẩm ở thị trường nước ngoài.
Quý 1 năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ
tiêu dùng cả nước tăng 9,9%; xuất khẩu hàng hoá tăng 13,7%, trong đó nông sản,
hàng hoá khu vực miền núi đã đóng góp tích cực vào kết quả này.
Nhờ những cầu nối chính sách của cơ quan quản lý, hiện nay,
tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đâu đâu cũng thấy những
mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ mang lại hiệu quả cao. Tại Sơn La, Hợp
tác xã cà phê Bích Thao từng chỉ là một hợp tác xã trồng và bán cà phê thô, đến
nay, nhờ sự vào cuộc của ngành Công Thương trong việc quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ
sản phẩm, hợp tác xã Cà phê Bích Thao đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp
sản xuất, chế biến cà phê trong và ngoài nước, nghiên cứu và sản xuất, chế biến
sản phẩm cà phê có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với các sản phẩm cà phê
nhân xô truyền thống. Sản phẩm cà phê Bích Thao đã xuất khẩu đến nhiều thị trường,
được coi là niềm tự hào của cà phê Sơn La.
Tại Gia Lai, CLB dệt thổ cẩm làng Phung – xã Biển Hồ là một
trong những CLB nhận được sự hỗ trợ của ngành Công Thương trong sản xuất sản phẩm
và quảng bá ra thị trường thông qua điểm giới thiệu sản phẩm. Tại đây không chỉ
giới thiệu các sản phẩm dệt tiêu biểu như trang phục, túi xách, ba lô, ví cầm
tay, gối dựa, móc khóa, khăn quàng cổ, tấm đắp… mà còn trưng bày còn một khung
dệt để các nghệ nhân hướng dẫn cho người dân và du khách trải nghiệm nghề truyền
thống. Với kỹ thuật thêu tay truyền thống nhưng mẫu mã hiện đại, sản phẩm của
HTX đã có mặt tại chuỗi cửa hàng quà tặng du lịch ở Hà Nội và được khách quốc tế
ưa chuộng. Vui mừng với kết quả này, những thành viên câu lạc bộ luôn mong muốn
các ngành chức năng, trong đó có ngành Công Thương tiếp tục tạo điều kiện để mở
rộng đầu ra cho sản phẩm.
Không chỉ là hỗ trợ bán hàng, ngành Công Thương còn đang từng
bước chuyển đổi nhận thức cho người dân vùng cao từ sản xuất manh mún sang kinh
tế thị trường. Hàng trăm lớp tập huấn được tổ chức để dạy bà con cách định giá
sản phẩm, làm tem truy xuất nguồn gốc, livestream bán hàng, ứng dụng công nghệ
số vào sản xuất.
Các chương trình như Tuần hàng vùng cao tại Hà Nội, Lễ hội
nông sản và thổ cẩm Tây Nguyên tại TP.HCM, Phiên chợ OCOP vùng dân tộc thiểu số...
đã trở thành kênh quảng bá không thể thiếu cho các sản phẩm bản địa.
Trong bức tranh phát triển kinh tế miền núi, những chương
trình do Bộ Công Thương chủ trì triển khai như: xây dựng chợ vùng cao, xúc tiến
thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, phát triển thương mại điện tử hay
đào tạo kỹ năng kinh doanh đã trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, giúp các
địa phương từng bước vượt qua “vòng luẩn quẩn” của nghèo đói. Không còn cảnh
“được mùa mất giá”, nông sản vùng cao nay đã có đường ra thị trường, có chỗ đứng
trong chuỗi bán lẻ hiện đại và cả trên các sàn thương mại điện tử.
Từ Bắc Kạn, Tuyên Quang đến Đắk Nông, Kon Tum hay ngay tại
vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn của thủ đô Hà Nội, hàng trăm
hợp tác xã, hàng nghìn hộ dân tộc thiểu số đã được tiếp sức, không chỉ bằng hỗ
trợ vật chất mà bằng chính tri thức và cách làm mới. Những nỗ lực đó đang từng
bước thay đổi diện mạo kinh tế miền núi, củng cố niềm tin của người dân đồng
bào dân tộc với chính sách, và quan trọng hơn cả là trao cho họ cơ hội làm chủ
tương lai chính mình.
Những gì ngành Công Thương đang làm đã và đang góp phần tạo
ra những dòng chảy ngầm bền vững. Khi người Dao, người Thái, người Mông biết
livestream bán hàng trên TikTok, khi chiếc váy thổ cẩm trở thành biểu tượng văn
hóa, khi trái mận, quả vải thiều vượt biển lớn, thì chính sách đã thật sự đi
vào đời sống.
Tuy vậy, khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa vẫn còn rất nhiều
khó khăn. Quyết định 1719 sau 5 năm triển khai cũng cần có những bước đổi mới.
Dù Đảng, Nhà nước và Chính phủ, ban hành các chính sách, chương trình để thúc đẩy
tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi bên cạnh các chính sách hỗ
trợ vĩ mô của Nhà nước, vai trò chủ động, năng động của các doanh nghiệp và hợp
tác xã (HTX) là vô cùng quan trọng trong việc liên kết tạo các kênh tiêu thụ sản
phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi một cách bền vững.
Song song với đó, ngành Công Thương cũng xác định tiếp tục đổi
mới cách triển khai Quyết định 1719 nhằm mang lại kết quả cao hơn trong thời
gian tới. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục hiện đại hoá hoạt động thương mại
vùng cao thông qua việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá
tiêu thụ sản phẩm ở khu vực này trên các nền tảng số. Đây được đánh giá là “đường
băng” đưa các sản phẩm vùng dân tộc miền núi bay xa trong bối cảnh hiện nay.
Trên những nếp nhà sàn thấp thoáng khói lam, giữa tiếng khèn
Mông, tiếng khung cửi Thái, giờ đây đã vang lên cả tiếng quẹt đơn hàng trên sàn
thương mại điện tử, tiếng đóng gói hàng hóa xuất khẩu. Những trái bắp, gùi ngô,
hạt cà phê không còn quá nặng nề với áp lực đầu ra mà đã khoác lên mình tấm áo
tinh tươm hơn, đứng chân trên các kệ siêu thị sáng choang cả trong và ngoài nước.
Khi trái ngọt từ núi rừng được gói ghém bằng văn hóa và trí tuệ, khi bàn tay bà
con được tiếp sức bởi chính sách đúng đắn thì phát triển không còn là giấc mơ
xa. Ở đó, những chính sách của ngành Công Thương vẫn kiên định là cầu nối, là
bàn đạp hỗ trợ cho hành trình khát vọng sản phẩm vùng cao vượt núi tới tương
lai.
NTXT