Trước đó, Đồng Nai đã triển khai lập Đề án xây dựng khu
thương mại tự do phức hợp, nhằm khai thác hiệu quả lợi thế của Sân bay Long
Thành, Cảng Phước An và các khu công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, làm việc với
tỉnh Đồng Nai, ACV cho biết cũng đang xây dựng Đề án xây dựng khu thương mại tự
do bên trong sân bay Long Thành.
Vì vậy, hai bên đã thống nhất phương án để tỉnh Đồng Nai báo
cáo Thủ tướng Chính phủ Đề án chung xây dựng khu thương mại tự do tại khu vực
trong và ngoài Sân bay Long Thành.
Đồng Nai là một tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là
trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò chiến lược trong phát
triển kinh tế - xã hội của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước. Với lợi thế liền kề
TP.HCM, kết nối thuận tiện với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, tỉnh Đồng
Nai là cầu nối quan trọng giữa các trung tâm công nghiệp và khu vực Tây Nguyên,
đồng thời là cửa ngõ giao thương quốc tế.
"Việc nghiên cứu xây dựng đề án Khu thương mại tự do gắn
với sân bay Long Thành và Cảng Phước An để phục vụ nhu cầu giao thương quốc tế,
phù hợp với lợi thế vị trí địa lý chiến lược, lợi thế về ngành nghề, định hướng
phát triển của Đồng Nai và của vùng Đông Nam bộ", ông Đặng Minh Đức, Phó
giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết.
Theo kế hoạch của Đồng Nai, Khu thương mại tự do dự kiến gồm
các phân khu chức năng sản xuất, logistics, thương mại dịch vụ – tài chính,
kinh tế số, công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo.
Khu thương mại tự do tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ được triển
khai tại nhiều vị trí chiến lược, với tổng diện tích khoảng 8.000 ha. Trong đó
bao gồm: Khu Logistics cạnh sân bay Long Thành, Khu công nghệ thông tin tập
trung, Khu đổi mới sáng tạo tại huyện Long Thành (hơn 1.400 ha); Khu công nghiệp
Bàu Cạn – Tân Hiệp (hơn 2.600 ha); Khu công nghiệp Xuân Quế – Sông Nhạn (gần
3.600 ha); và Khu cảng, hậu cần Cảng Phước An (hơn 360 ha).
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng ở huyện
Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Công trình này có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD.
Dự án này được chia làm 3 giai đoạn, bao gồm giai đoạn 1 dự
kiến khai thác vào năm 2026, với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu
lượt khách/năm. Giai đoạn 2 của dự án triển khai từ năm 2028 - 2032, nâng công
suất lên 50 triệu lượt khách/năm.
Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất của sân
bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn
nhất ở Việt Nam.
NTXT