Theo Báo cáo “Phân tích quy mô và thị phần thị trường vải
thiều - Xu hướng tăng trưởng và dự báo 2023 - 2028” của Research and Markets,
thị trường vải thiều toàn cầu đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, với dự báo giá
trị sẽ tăng vọt từ 6,73 tỷ USD năm 2023 lên 8,79 tỷ USD vào năm 2028, đạt tốc độ
tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 5,5% trong giai đoạn này.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất và xuất khẩu vải thiều lớn
nhất thế giới, với sản lượng hàng năm đạt khoảng 2 triệu tấn. Vải thiều Trung
Quốc được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới, gồm Hoa Kỳ,
Canada, EU, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Indonesia, Phillippines và
Malaysia.
Việt Nam giữ vị trí thứ hai, đang không ngừng củng cố vị thế
của mình trên thị trường vải thiều toàn cầu. Dự kiến sản lượng thu hoạch của Việt
Nam năm 2025 đạt 303.000 tấn, tăng 30% so với năm 2024.
Vải thiều Việt hiện có mặt tại hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ
trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của các thị trường cao cấp nhất. Trong đó, thị
trường xuất khẩu vải thiều chính của Việt Nam là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản
và EU. Việt Nam đang đầu tư đáng kể vào việc cải thiện chất lượng và logistics
để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Vải thiều Việt Nam được doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu, bán
ở khắp các tỉnh Fukushima, Aichi, Niigata... với giá bán đến tay người tiêu
dùng khoảng 1.800 yen/kg (khoảng 310.000 đồng/kg). Siêu thị ở Pháp cũng đang
phân phối vải thiều Việt Nam với giá 500.000 - 600.000 đồng/kg.
Là quốc gia có sản lượng vải thiều đứng thứ 2 thế giới,
trong đó, Bắc Giang, Hải Dương là những địa phương có sản lượng
vải thiều lớn nhất cả nước. Vải thiều Việt Nam đã xuất khẩu vào những thị trường
khó tính, vì vậy, hoàn toàn có thể xúc tiến để mở rộng thêm thị trường mới.
Hiện nay chúng ta đã có 469 mã số vùng trồng với tổng diện
tích 19.377ha và 55 mã số cơ sở đóng gói đi các thị trường Trung Quốc,
Australia, Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ được cấp cho các tỉnh: Hải Dương, Bắc
Giang, Hưng Yên, Đắk Lắk, Quảng Ninh.
Tuy nhiên, với tổng sản lượng trái vải thiều toàn quốc ước đạt
303.000 tấn, trong khi mùa vụ thu hoạch vải thiều diễn ra trong thời gian ngắn,
do đó, cùng với việc xuất khẩu trái vải tươi, việc đầu tư vào chế biến sâu như
sấy lạnh, làm nước ép, đông lạnh nguyên quả… cũng cần phải đẩy mạnh triển khai
thực hiện.
NTXT