Thương vụ Việt Nam tại Canada thông tin, thị trường tiêu
dùng da giày của Canada có quy mô khoảng 6 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên đến 7-8
tỷ trong những năm tới. Canada là nước được xếp hạng top 5 thị trường tiêu dùng
nhiều sản phẩm giày dép nhất thế giới và top 13 thế giới về quy mô thị trường.
Cũng theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Canada,
thị trường này tiêu dùng nhiều nhất là các loại giày dép có đế cao su, nhựa, da
hoặc tổng hợp với phần trên làm bằng da (HS 640391) và các loại giày dép có đế
cao su, nhựa và phần trên làm bằng vật liệu tổng hợp, hoặc vải dệt (HS 640419
và 640299) và giày thể thao (HS 640411).
Kể từ sau Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái
Bình Dương (Hiệp định CPTPP) đi vào thực
thi, mặc dù tốc độ tăng trưởng kim ngạch da giày của Việt Nam sang địa bàn
không quá cao nhưng Việt Nam đã thành công chiếm lĩnh thêm thị phần, đạt tỷ lệ
gần 30%.
Năm 2024, Trung Quốc là nước xuất khẩu nhiều nhất sản phẩm
da giày vào Canada, với 828 triệu USD; Việt Nam đứng thứ hai với 751 triệu USD.
Trong Quý 1/2025, theo số liệu sở tại, sản phẩm da giày của Việt Nam vào thị
trường tăng mạnh với 209 triệu USD, tăng trưởng 20,4% so với cùng kỳ. Nếu tốc độ
tăng trưởng này duy trì ổn định, dự kiến cả năm 2025 Việt Nam sẽ xuất khẩu vượt
800 triệu USD giày dép vào thị trường Canada.
Về mặt hàng, Việt Nam có thế mạnh tuyệt đối tại Canada so với
các đối thủ cạnh tranh đối với mã HS 6404 (giày dép có đế cao su và mũi giày bằng
vải tổng hợp. Trước Hiệp định CPTPP, Việt Nam có 30% thị phần, đến nay, đã tăng
lên 37%, (tương đương 45% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Canada).
Mã HS 6403 là mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất vào Canada,
chiếm 37% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu giày dép vào thị trường. Mã HS 6402 cũng
là một mặt hàng có triển vọng tăng trưởng khá tốt, chiếm khoảng17% thị phần tại
Canada. Với thế mạnh về nguồn cung ứng cao su tại chỗ có mức giá tốt, đây là một
mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh tại Canada để tiếp tục mở rộng thị
phần.
Đối với các mã HS 6401, HS 6406, Việt Nam có thị phần nhỏ, mỗi
năm xuất khẩu trung bình 5 triệu USD tổng hợp cả hai mặt hàng. Riêng mã HS
6405, tuy giá trị không cao, nhưng đây là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất
sau khi Hiệp định CPTPP đi vào thực thi (41%). Hiện nay, Việt Nam chiếm 27% thị
phần tại Canada với mặt hàng HS 6405 và triển vọng còn tiếp tục tăng.
Đối với mặt hàng túi xách và các sản phẩm bằng da (HS 42),
Việt Nam cũng có thị phần mở rộng qua các năm. Với 230 triệu USD kim ngạch xuất
khẩu năm 2024, Việt Nam hiện là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Canada đối với
mặt hàng này, chỉ sau Trung Quốc. Sau khi thực thi Hiệp định CPTPP, Việt Nam đã
vượt Italy về thị phần và vươn lên vị trí thứ 2, hiện chiếm 11% thị phần ở
Canada. Trong những tháng đầu năm 2025, xuất khẩu mã HS 42 đạt 57 triệu USD,
tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả tích cực, trong bối cảnh thị
trường Canada sụt giảm mạnh nhập khẩu đối với mặt hàng này.
Dự báo các mặt hàng giày dép được tiêu dùng nhiều trong thời
gian tới tiếp tục là giày thể thao, dép ở nhà và giày thời trang giá rẻ. Người
tiêu dùng Canada quan tâm nhiều đến các chứng chỉ xác nhận quy trình sản xuất
xanh, bền vững và công bằng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, người tiêu dùng Canada cũng rất quan tâm đến sản
phẩm dán nhãn Eco, chứng nhận vật liệu và khả năng tái chế của sản phẩm. Vì vậy,
các doanh nghiệp da giày Việt Nam cần tích cực chuẩn hoá, đổi mới quy trình sản
xuất, đồng thời cần chuẩn bị cả theo hướng tự động hoá, giảm hàm lượng nhân
công trong sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để tốc độ tăng trưởng kim ngạch vào địa bàn bền vững và mở rộng
hơn nữa thị phần, theo bà Trần Thu Quỳnh, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần sớm
chuyển đổi theo hướng xây dựng thương hiệu riêng. Đồng thời, sàng sẵn sàng thực
hiện hợp đồng OEM với số lượng nhỏ.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia các hội chợ,
triển lãm quốc tế vì đây vừa là cơ hội làm việc trực tiếp với các nhà mua buôn
để tìm kiếm các đơn hàng gia công… Ngoài ra, cũng có thể tính đến chuyên môn
hoá vào các mặt hàng đặc chủng, như: Giày dép bảo hộ, giày đồng phục công nghiệp
(giày làm hầm lò, giày phòng cháy, giày làm nghề gỗ…) để có thị trường và
thương hiệu riêng uy tín, tránh phụ thuộc vào các đơn hàng gia công và các điều
kiện của đối tác.
NTXT