Chính phủ vừa có Nghị quyết số 139/NQ-CP ban hành Kế hoạch của
Chính phủ triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về
một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân (Kế hoạch).
Nhằm khẩn trương triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15,
trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ yêu cầu các
bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa và quyết liệt tổ chức triến khai thực hiện
các nhiệm vụ.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cải
thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thanh tra, kiểm
tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh, phá sản doanh nghiệp.
Chậm nhất ngày 31 tháng 12 năm 2025, hoàn thành việc rà
soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo,
không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện giảm
ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ
pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những
năm tiếp theo.
Ứng dụng triệt để chuyển đổi số nhằm cắt giảm tối đa thời
gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh
doanh trong các quy định về gia nhập, rút lui khỏi thị trường, đất đai, quy hoạch,
đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn...
Triển khai cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh không phụ thuộc
vào địa giới hành chính.
Đảm bảo hoàn thành các mục tiêu và lộ trình quy định tại Nghị
quyết số 66/NQ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2025 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm,
đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh
năm 2025-2026. Khẩn trương rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh để sửa đổi hoặc
kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi nhằm chuyển căn bản các điều kiện kinh
doanh dưới hình thức giấy phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện
kinh doanh và nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt
buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế, hoàn
thành trong năm 2025 và 2026.
Các Bộ, ngành, địa phương rà soát, phân loại đối tượng kiểm
tra; chấm dứt tình trạng kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài về cùng một nội
dung, lĩnh vực; số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh
doanh bao gồm cả kiểm tra liên ngành không được quá một lần một năm, trừ trường
hợp cần kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
Đối với cùng một nội dung quản lý nhà nước, trường hợp đã tiến
hành hoạt động thanh tra thì không thực hiện hoạt động kiểm tra hoặc đã tiến
hành hoạt động kiểm tra thì không thực hiện hoạt động thanh tra doanh nghiệp, hộ
kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong cùng một năm, trừ trường hợp có dấu hiệu
vi phạm rõ ràng.
Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng kiểm tra để nhũng nhiễu,
gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Công bố công khai kế hoạch kiểm
tra trên cổng thông tin để cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh biết, phối hợp
thực hiện.
Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra trực tuyến, từ xa; ưu tiên kiểm
tra dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm tối đa kiểm tra trực tiếp. Xây dựng,
công bố tại trang, cổng thông tin của đơn vị công cụ, giải pháp cảnh báo sớm
cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh về các nguy cơ vi phạm pháp luật trên cơ sở
tích hợp dữ liệu quản lý, cảnh báo từ các cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ đạo các
cơ quan, đơn vị quyết liệt đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, vi phạm
bản quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, hộ kinh
doanh đúng pháp luật.
Bộ Công Thương đẩy mạnh thực thi Luật Cạnh tranh và các
văn bản hướng dẫn thi hành đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng,
minh bạch giữa các thành phần kinh tế; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng vị trí
thống lĩnh, độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh; nâng cao hiệu lực hiệu quả
hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.
Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà
soát, sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, bổ sung cơ chế,
chính sách: Kiểm soát biến động giá đất, đặc biệt là giá đất sản xuất kinh
doanh, phi nông nghiệp; giao các địa phương dành quỹ đất đầu tư kết cấu hạ tầng
khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ để cho các doanh nghiệp
công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê;
chính sách hỗ trợ tiền thuê đất cho các đối tượng trên, hoàn thành trong năm
2025-2026; hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và kết nối với
Trung tâm Dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu có liên quan; ban hành các quy
định về quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, hoàn
thành trong năm 2025.
Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày
28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu
kinh tế, bổ sung cơ chế, chính sách giao các địa phương dành tối thiểu 20ha/khu
công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp để
cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp
sáng tạo thuê, hoàn thành trong năm 2025.
Rà soát, sửa đổi Nghị định số 108/2024/NĐ-CP ngày
23 tháng 8 năm 2024 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài
sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý,
kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác để hướng dẫn cơ chế chính sách hỗ
trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi
mới sáng tạo thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại
địa phương, hoàn thành trong năm 2025.
Bộ Tài chính trình Chính phủ văn bản hướng dẫn chính sách
doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa,
doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại
đất trong vòng 05 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư kinh
doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ. Khoản hỗ trợ
tiền thuê đất này được Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư theo quy định của Chính
phủ; hoàn thành trong năm 2025.
Bộ Công Thương rà soát, sửa đổi Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày
15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp để bổ
sung cơ chế, chính sách giao các địa phương dành tối thiểu 20ha/cụm công nghiệp
hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp cho doanh nghiệp
công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê,
hoàn thành trong năm 2025.
NTXT