Tại Hội thảo, thông qua hoạt động hỗ trợ, tư vấn trực tiếp của các chuyên gia đến từ Bộ Công Thương và Văn phòng chứng nhận Halal Việt Nam, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã nắm bắt được các thông tin về thị trường các nước Hồi giáo, các yêu cầu về chứng nhận Halal cho ngành công nghiệp thực phẩm, cũng như cho các nhà hàng, khách sạn, qua đó có thể tiếp cận, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Halal.
Bà Nguyễn Minh Phương - Trưởng phòng Tây Á - châu Phi (Vụ Thị trường châu Á - châu Phi Bộ Công Thương) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt được chứng nhận Halal, tuy nhiên Việt Nam tham gia thị trường Halal mới ở giai đoạn đầu, vẫn chưa thực sự chiếm được thị phần đáng kể trong lĩnh vực Halal, năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal Việt Nam còn thấp. Ngoài ra, Halal là khái niệm còn ít được biết đến, quy định về thẩm tra, cấp chứng nhận Halal có xu hướng ngày càng khắt khe hơn, đa dạng và phức tạp hơn. Hơn nữa, xuất khẩu sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực.
Chính vì thế, Bộ Công Thương thời gian qua đã tiếp tục tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế phát triển ngành hàng Halal tại Việt Nam; đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận thương mại; đồng thời hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam làm việc, tìm hiểu với các cơ quan, hệ thống phân phối của các nước như: Indonesia, Malaysia, A-rập-xê-út, UAE...
Ngoài ra, để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam, các đơn vị liên quan cần thúc đẩy việc phân phối các sản phẩm của Việt Nam có chứng nhận Halal để vừa đáp ứng nhu cầu của nhà xuất khẩu, vừa mở rộng việc sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Halal tại Việt Nam.