Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, tăng cường nhân sự, lên kế hoạch phục vụ trước và sau Tết để đáp ứng nhu cầu của người dân.
* Nguồn hàng hóa dồi dào
Theo Sở Công thương, Sở đã triển khai đến các địa phương, đơn vị sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, các đơn vị tham gia bình ổn giá trên địa bàn tỉnh đề nghị khẩn trương xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa và phương án kinh doanh trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng gây tăng giá cục bộ...
Đến nay, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các trung tâm thương mại, siêu thị lớn đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng với tổng giá trị hàng hóa hơn 225,8 ngàn tỷ đồng, chủ yếu là mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, các mặt hàng tiêu dùng, xăng dầu, bánh mứt, bia, nước ngọt, xăng dầu… phục vụ dịp Tết. Đồng thời, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất cũng dự trữ nguồn hàng hóa bình ổn giá, bình ổn thị trường với tổng giá trị khoảng 8,3 ngàn tỷ đồng.
Nguồn cung ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh chủ yếu là lương thực, thực phẩm tươi sống và đông lạnh, mạng lưới phân phối và bán lẻ chủ yếu của tỉnh hiện nay tập trung tại 6 trung tâm thương mại, 13 siêu thị, 275 cửa hàng tiện ích, 137 chợ truyền thống và hơn 10 ngàn cửa hàng tạp hóa…
Phụ trách bộ phận Marketing Co.opmart Biên Hòa Trang Phúc cho biết, nguồn hàng hóa phục vụ cao điểm mua sắm dịp Tết Nguyên đán tại siêu thị khá dồi dào, đa dạng mẫu mã, chủng loại. Lượng hàng dự trữ cho dịp Tết năm nay tương đương dịp Tết năm ngoái, đặc biệt là nguồn hàng hóa ở kho trung tâm luôn được đảm bảo, sẵn sàng cung ứng, điều tiết khi có biến động.
Đối với các loại hình dịch vụ, nhất là các dịch vụ ăn uống, nhiều cửa hàng, nhà hàng, quán ăn đã chủ động phương án phục vụ, thời gian phục vụ trước và sau Tết.
Năm nay, trước những tác động của tình hình kinh tế khó khăn, việc tăng cường kiểm tra nồng độ cồn nên hoạt động kinh doanh, lượng khách của nhiều nhà hàng, quán ăn cũng bị ảnh hưởng. Điều này đòi hỏi các dịch vụ ăn uống chủ động phương án thích nghi, gia tăng các hoạt động kích cầu, thay đổi thực đơn… để thu hút thực khách.
Quản lý hệ thống dịch vụ ăn uống Gà tiềm Nhà đôi (ở P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) Nguyễn Anh Vũ chia sẻ, chuỗi quán ăn của hệ thống sẽ mở cửa tới ngày 29 Tết, sau đó nghỉ tới mùng 4 Tết thì mở bán trở lại. Hệ thống cũng sẽ có thêm các thực đơn dành riêng cho dịp Tết, tặng bao lì xì cho thực khách… Dịp này, hệ thống tập trung phục vụ các tiệc tất niên của các cơ quan, doanh nghiệp.
* Tăng cường nhân sự phục vụ
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều đơn vị, công ty vận tải, du lịch, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi đã chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ du khách, người tiêu dùng, bố trí thêm các quầy tính tiền, huy động thêm nguồn nhân sự. Đồng thời, đẩy mạnh các kênh mua sắm trực tuyến, đặt hàng online…
Giám đốc Lotte Mart Đồng Nai Nguyễn Hải Nam cho biết, để phục vụ cao điểm Tết này, siêu thị dự kiến tăng cường lực lượng nhân sự khoảng 30%, bố trí thêm các quầy tính tiền để đảm bảo hoạt động, hạn chế tình trạng ùn ứ vào cao điểm mua sắm. Ngoài ra, siêu thị còn tăng cường các dịch vụ liên quan đến mua hàng trực tuyến. Nhu cầu mua sắm trực tuyến hiện tăng khoảng 15% so với ngày thường.
Tương tự, Giám đốc MM Mega Market Biên Hòa Nguyễn Ký Hiệp cho biết, để tăng cường phục vụ khách đến mua sắm, trong những ngày cận Tết, siêu thị dự kiến kéo dài thêm 1 giờ mở cửa so với ngày thường. Đồng thời, có kế hoạch tăng cường quầy tính tiền, điều phối nhân viên tại các quầy tính tiền để hạn chế tình trạng ùn ứ lúc cao điểm mua sắm. Siêu thị cũng tuyển thêm nhân viên thời vụ để đảm bảo phục vụ khách hàng, dự kiến nhân sự phục vụ Tết sẽ tăng khoảng 30%.
Ông Trang Phúc cho biết thêm, hiện Co.opmart Biên Hòa đã bố trí thêm nhân viên, tăng ca trực từ ngày 20 Tết để đảm bảo phục vụ tốt, thông suốt trong những ngày cao điểm Tết. Đồng thời, mở 100% các quầy tính tiền, triển khai các kênh thanh toán không dùng tiền mặt để tăng tiện ích, phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của khách hàng.