Việt Nam có 3 mặt hàng gồm: cà phê,
cao su và gỗ nằm trong nhóm ngành hàng chịu tác động của EUDR. Dựa trên bằng
chứng điều tra và thông tin thu thập được về mối quan hệ giữa hàng hóa và nguy
cơ gây mất rừng, EUDR sẽ phân loại quốc gia hoặc vùng sản xuất cung cấp sản
phẩm cho EU theo các nhóm: “rủi ro cao”, “rủi ro trung bình” hoặc “rủi ro
thấp”.
Theo đó, EU sẽ áp dụng các tiêu chí
trên để “dán nhãn” quốc gia hoặc vùng sản xuất trong nội bộ nước đó trước thời
điểm đưa ra quyết định cuối cùng là ngày 30-12-2024. Theo TS Tô Xuân Phúc, Việt
Nam sẽ ở vị thế bất lợi nếu EU lấy mặt hàng có độ rủi ro cao nhất về mất rừng
để làm cơ sở dán nhãn rủi ro quốc gia.
Khó khăn lớn nhất mà các chuỗi cung
ứng nông sản tại Việt Nam đang gặp phải khi đáp ứng quy định mới của EU là cơ
sở dữ liệu định vị diện tích rừng, truy xuất nguồn gốc, triển khai hệ thống
giám sát chống phá rừng.
Do thời gian chuẩn bị đến thời điểm
quy định này bắt đầu áp dụng chỉ còn chưa tới 18 tháng nên phải khẩn trương rà
soát các vùng (sản phẩm) nhiều rủi ro nhất trong chuỗi cung ứng nông sản (nhất
là khu vực nông hộ). Theo đó, cần có kế hoạch thu thập, xử lý thông tin của
hàng triệu nông hộ theo quy định mới về chống phá rừng.
Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để
cấu trúc lại ngành hàng liên quan tới rừng, kinh tế lâm nghiệp như: cà phê, cao
su, gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ. Chống phá rừng và suy thoái rừng không
chỉ là quy định của EU mà là xu thế của thế giới trong tăng trưởng xanh, hướng
tới nền kinh tế và nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững./.