Cơ khí là một trong
những ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời và được xác định là ngành công
nghiệp mang tính “xương sống” của nền kinh tế.
Xuất khẩu chưa cao, dư
địa công nghiệp hỗ trợ lớn
Thời gian qua, một số
sản phẩm cơ khí được Việt Nam sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất
lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Hiện doanh nghiệp sản xuất
linh kiện ngành cơ khí trong nước có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như:
Khuôn mẫu các loại; linh kiện cơ khí; dây cáp điện; linh kiện nhựa; cao su kỹ
thuật... Nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn nên nhiều doanh
nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển
các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài,
hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.
Tính chung 8 tháng năm
2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng
trước, nhưng vẫn giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân kim ngạch giảm
sút là do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, trong đó có doanh nghiệp cơ khí (ngành
công nghiệp mang tính “xương sống” của nền kinh tế).
Theo số liệu thống kê
của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu các sản phẩm cơ khí mà đại diện là nhóm hàng
máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng hiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3
của Việt Nam, năm 2022 có kim ngạch 45,72 tỷ USD và nhóm hàng phương tiện vận
tải và phụ tùng có kim ngạch 12,06 tỷ USD. Giá trị kim ngạch hai nhóm hàng cơ
khí xuất khẩu này là 57,78 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả
nước. Nhiều doanh nghiệp cơ khí ngày càng mở rộng được thị trường xuất khẩu của
mình. Điển hình như Thaco đã xuất khẩu ô tô, xe máy và các linh kiện như: Khung
ghế xe đua, nhíp, két dàn nóng, thùng xe, bồn xe chuyên dụng, cần cẩu xe tải,
thân vỏ, áo ghế, cốp xe, khung chassis xe bán tải, thùng giữ nhiệt, bồn nhựa,
ống nhựa thủy canh… đến các thị trường trọng điểm như: Bắc Mỹ, Bắc Âu, Úc, Hàn
Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Campuchia, Israel. Năm 2022, doanh thu xuất khẩu của
Tập đoàn gần 190 triệu USD và kế hoạch năm 2023 là hơn 375 triệu USD.
Dù dư địa của ngành là
rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong
ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các
doanh nghiệp nước ngoài, do năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, chưa xây dựng
được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.
Ở góc độ đại diện doanh
nghiệp, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí
Việt Nam cho biết, hiện con số xuất nhập khẩu của ngành cơ khí lớn, nhưng hầu
hết nằm trong khối doanh nghiệp FDI, tỷ trọng của doanh nghiệp Việt Nam còn
khiêm tốn.
Doanh nghiệp cần chủ
động nắm bắt cơ hội, đa dạng hóa sản phẩm
Theo chuyên gia kinh tế,
tuy còn khó khăn, nhưng cơ hội cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu
còn lớn, quan trọng là phải chủ động thích ứng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng
yêu cầu đối tác.
Bà Trương Thị Chí
Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ
Việt Nam (VASI) cho hay, năm nay thị trường sản phẩm cơ khí suy giảm khoảng
20% đơn hàng, có doanh nghiệp đơn hàng suy giảm nặng hơn từ 30 - 40%. Tuy
nhiên, lĩnh vực cơ khí cũng có thêm nhiều khách hàng mới do sự dịch chuyển về
sản xuất. Trong khi đó, năng lực của doanh nghiệp trong nước đã có những chuyển
biến tích cực. Cùng với đó là nhiều công đoạn sản xuất doanh nghiệp Việt Nam đủ
khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ.
Theo bà Trương Thị Chí
Bình, hiện thị trường mới, tiềm năng của sản phẩm cơ khí Việt Nam phải kể tới
là UAE. Đây là thị trường dễ tiếp cận do không có nhiều tiêu chuẩn phức tạp,
giá lại tốt. Hoa Kỳ cũng đang là thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu sản
phẩm cơ khí của Việt Nam.
"Tuy nhiên, doanh
nghiệp đang gặp khó khăn về thanh toán tại thị trường UAE, còn thị trường Hoa
Kỳ dù có nhu cầu lớn nhưng đòi hỏi cao. Do vậy rất cần sự hỗ trợ từ thương vụ
để doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội tiếp cận thị trường, đáp ứng được các yêu
cầu từ đối tác" - bà Bình nêu.
Đồng thuận quan điểm nêu
trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương
mại Việt Nam tại New York, Hòa Kỳ cho biết, lĩnh vực cơ khí đóng vai trò
quan trọng trong nền kinh tế Hoa Kỳ, nhất là ngành sản xuất ô tô. Xu hướng thời
gian tới trong lĩnh vực cơ khí của Hoa Kỳ đó là áp dụng công nghệ tiên tiến,
sản xuất xe điện, đặc biệt là tập trung sản xuất sản phẩm bền vững, thân thiện
môi trường.
"Hoa Kỳ là nhà sản
xuất lớn về cơ khí chế tạo, cũng là nước có nhu cầu nhập khẩu đa dạng, các sản
phẩm nhập khẩu là máy công nghiệp, máy bay dân dụng, máy tính, phụ kiện bán
dẫn, máy móc nông nghiệp, ngành giấy; ô tô, phụ tùng ô tô. Như vậy, hiện còn
nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp trong nước cần chủ
động nguồn hàng, tuân thủ quy định từ thị trường" - ông Mạnh Hùng nói.
Cơ hội cho sản phẩm cơ
khí Việt Nam xuất khẩu còn hiện hữu ở nhiều thị trường. Ông Tạ Đức Minh - Tham
tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, Nhật Bản là thị
trường xuất khẩu truyền thống của sản phẩm cơ khí Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu
mặt hàng cơ khí mới chiếm tỷ trọng 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt
Nam sang Nhật Bản.
"Hiện Nhật Bản đang
thực hiện chính sách mới nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc và mở
rộng sang khối các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội cho doanh
nghiệp cơ khí Việt Nam tiếp cận trong thời gian tới" - ông Tạ Đức Minh
chia sẻ.
Theo Bộ Công Thương,
doanh nghiệp cần tăng cường tận dụng thông tin được cung cấp, chủ động tham
gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho
các sản phẩm. Bên cạnh đó, đầu tư cho công nghiệp sản xuất nhằm nâng cao giá
trị gia tăng, tiếp cận sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.
|
Tác giả: Việt Duy
Nguồn: Bộ Công Thương