Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành sửa đổi Luật Quảng cáo trong đó dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan tới người nổi tiếng, nghệ sĩ tham gia quảng cáo.
Tính 2 mặt của quảng cáo
Quảng cáo trực tuyến không chỉ là một công cụ quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm và dịch vụ mà còn mang lại nhiều lợi ích đối với cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển và nâng cao chất lượng đời sống.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều mẫu quảng cáo trực tuyến độc hại có thể lôi kéo, nài ép, dụ dỗ người tiêu dùng ràng buộc với sản phẩm của nhà sản xuất bằng những thủ thuật quảng cáo rất tinh vi, dẫn dắt người tiêu dùng đến các quyết định lựa chọn mà lẽ ra họ không thực hiện nếu không có quảng cáo.
Nhiều quảng cáo có khả năng “thao túng tâm lý” người tiêu dùng, dẫn dụ họ mua sắm sản phẩm trái với ý muốn. Đó là chưa kể đến câu chuyện quảng cáo láo, quảng cáo sai lệch, phóng đại, “thổi phồng” sản phẩm, lừa đảo người tiêu dùng. Nhiều người nổi tiểng, có tầm ảnh hưởng lớn tham gia quảng cáo các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối tới người tiêu dùng.
Điển hình là ngày 3/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Sản xuất hàng giả là thực phẩm" và Lừa dối khách hàng" quy định tại các Điều 193, 198 Bộ luật Hình sự.
Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) là 2 trong 5 bị can bị khởi tố và tạm giam liên quan tới vụ án này. Trước đó, nhiều nghệ sỹ đã xin lỗi công chúng về việc tham gia quảng cáo đối với những sản phẩm mà mình đã tham gia quảng cáo.
Gắn trách nhiệm trong hoạt động quảng cáo
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình cho biết, Bộ đang tiến hành sửa đổi Luật Quảng cáo, trong đó dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan tới người nổi tiếng, nghệ sĩ tham gia quảng cáo. Đáng chú ý là mỗi người tham gia quảng cáo trên mạng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nói chung và Luật Quảng cáo nói riêng liên quan tới sản phẩm mình quảng cáo.
Đặc biệt, dự thảo Luật Quảng cáo cũng quy định người tham gia quảng cáo phải chịu trách nhiệm xác minh một cách minh bạch, cụ thể về sản phẩm mình đã quảng cáo. Dự kiến trong nghị định để triển khai Luật Quảng cáo (sửa đổi) sẽ có những điều khoản cụ thể để điều chỉnh hoạt động của người nổi tiếng, nghệ sĩ tham gia quảng cáo trong đó tăng chế tài xử phạt, cấm quảng cáo hoặc hạn chế hoạt động nghệ thuật, xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội.
Liên quan đến sửa đổi Luật Quảng cáo, ông Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, cần phải có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa để bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ khi quảng cáo, tránh những thông tin sai sự thật, thổi phồng công dụng, tính năng của sản phẩm, dịch vụ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Quy định rõ quyền và nghĩa vụ đối với người có sức ảnh hưởng trên không gian mạng tham gia hoạt động quảng cáo nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, lành mạnh hoạt động quảng cáo trên không gian mạng.
Đối với sản phẩm quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội hoặc trên các mạng máy tính, mạng viễn thông, internet thì đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo phải có trách nhiệm kiểm tra, thẩm duyệt chất lượng hàng hóa hoặc phải có đơn vị kiểm duyệt về chất lượng trước khi thực hiện hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, tránh việc tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lừa dối người tiêu dùng.
Các đơn vị thông tin truyền thông, đơn vị trung gian, tổ chức, cá nhân sử dụng các nền tảng mạng xã hội truyền tải nội dung thông tin quảng cáo cũng phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
Ngoài ra, các nền tảng số cần phải có trách nhiệm kiểm duyệt nội dung quảng cáo một cách nghiêm túc, nếu nền tảng cố tình tiếp tay hoặc không kiểm soát chặt chẽ quảng cáo sai sự thật, cần áp dụng mức xử phạt tương ứng với mức độ thiệt hại mà quảng cáo đó gây ra./.