Đây là minh chứng cho việc các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các tập đoàn công nghệ hàng đầu của thế giới.
“Trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 120 tỷ USD các sản phẩm điện tử. Tôi khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào thị trường tỷ USD, thậm chí, có thể làm nhanh hơn, rẻ hơn và tốt hơn. Để hiện thực hoá điều này chúng ta cần sự kết hợp chặt chẽ từ Chính phủ và doanh nghiệp” – ông Đặng Đình Chính nhấn mạnh.
Theo đó, đầu tiên, về phía các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, ngoài việc chuẩn bị các yếu tố về đất đai, nhà xưởng máy móc thì phải coi quản trị là một loại công nghệ và dành nguồn lực đầu tư một cách tương xứng. Việt Nam đang sở hữu một tài sản vô giá là đội ngũ những nhà quản lý hiện đang làm việc cho các tập đoàn lớn nhất thế giới. Đây là điều kiện tiên quyết để bắt đầu xây dựng những nhà máy sản xuất hiện đại, quy mô tầm cỡ thế giới.
Về phía Chính phủ, ông Đặng Đình Chính đề xuất Chính phủ đàm phán với các tập đoàn FDI tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản xuất lắp ráp linh kiện, giao cho các hiệp hội lựa chọn các đơn vị đáp ứng đủ tiêu chuẩn để được nhận đề bài trực tiếp từ các tập đoàn FDI. Đồng thời có các chính sách ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc thậm chí góp vốn cùng trong giai đoạn đầu và thoái vốn theo tiến độ để có thể đáp ứng được yêu cầu về năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp FDI.
Cũng liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nêu kiến nghị, Nhà nước cần xây dựng các trung tâm kiến tạo hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê, thử nghiệm máy móc, thiết bị sản xuất trước khi quyết định đầu tư; thành lập các trung tâm kiểm định sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt chất lượng quốc tế; ban hành luật riêng về công nghiệp hỗ trợ…