Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13-2 ký bản ghi nhớ thực hiện kế hoạch áp thuế "công bằng và có đi có lại" đối với tất cả đối tác thương mại của Mỹ. Hành động này được cho là sẽ mở đường cho một loạt đàm phán giúp giảm thuế nhưng các nhà phân tích cũng cảnh báo Mỹ có nguy cơ bị trả đũa nặng nề. Việc Mỹ áp thuế đối ứng đồng nghĩa với việc tăng thuế lên hàng nhập khẩu các nước khác tương đương với mức thuế mà các quốc gia khác áp dụng đối với sản phẩm của Mỹ. Các quan chức cho hay những khoản thuế này sẽ được áp dụng theo từng quốc gia.
Hiện tại, bản ghi nhớ của ông Trump yêu cầu bộ trưởng thương mại và đại diện thương mại Mỹ tham vấn với bộ trưởng tài chính và những quan chức khác nghiên cứu vấn đề này và đề xuất các biện pháp. Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick hôm 13-2 cho biết thuế quan mới có thể có hiệu lực sớm nhất vào ngày 2-4 sau khi các nghiên cứu về vấn đề này hoàn tất.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng JPMorgan Chase (Mỹ) dự báo thuế đối ứng có thể mở đường cho việc tăng thuế quan rộng rãi đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi vốn đang áp thuế cao lên các sản phẩm của Mỹ. Theo đài CNN, thuế quan có thể ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các nước đang phát triển, đặc biệt là Ấn Độ, Brazil, Việt Nam và các nước Đông Nam Á và châu Phi khác vì đây là những nước có mức thuế quan chênh lệch lớn nhất giữa hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào nước họ so với mức thuế mà Mỹ áp dụng cho họ.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa diễn ra, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper, nhấn mạnh chính sách thương mại mới của Mỹ được thiết lập nhằm mục tiêu thúc đẩy hơn nữa thương mại công bằng, bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh quốc gia, người lao động và DN Mỹ… "Việc áp thuế trong thời gian qua không nhắm tới Việt Nam. Mỹ muốn duy trì mối quan hệ song phương, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng tích cực" - Đại sứ Marc E. Knapper khẳng định.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhìn nhận 2025 là năm kỷ niệm 30 năm Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao. Mong muốn của phía Mỹ 2025 sẽ là năm bản lề để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới, hiện thực hóa các cam kết và nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó trụ cột hợp tác kinh tế - thương mại sẽ đóng vai trò động lực chủ chốt thúc đẩy tổng thể quan hệ song phương.
Theo đó, Mỹ mong muốn được tham gia sâu hơn vào các dự án lớn, quan trọng của Việt Nam; đồng thời đề nghị Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để khơi thông dòng vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong các lĩnh vực mới như năng lượng, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hàng không…
Mỹ đánh giá cao và đề nghị Việt Nam tiếp tục tăng cường phối hợp trong vấn đề chống gian lận xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, để bảo đảm quyền lợi cho DN của cả hai nước.
Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư Mỹ tham gia vào các dự án năng lượng mới, phát triển nguồn điện, thăm dò, khai thác chế biến dầu khí, phát triển công nghiệp khí cũng như khai thác khoáng sản... nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững chuỗi cung ứng giữa hai quốc gia. Bộ trưởng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận nêu trong Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về năng lượng giữa Việt Nam và Mỹ đã được ký kết vào tháng 10-2019.
Chủ trương của Việt Nam coi Mỹ là một trong những nguồn nhập khẩu lâu dài và tin cậy về năng lượng, máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên phụ liệu... Mỹ hiện đang là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam.
Trong đó, về nông sản, Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Mỹ. Việt Nam luôn coi Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu; đồng thời mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Mỹ một cách toàn diện và bền vững, góp phần tăng cường sự hiểu biết và lòng tin chiến lược giữa hai nước
NS-nguồn cafef