Xu hướng chung của thế giới là sản
xuất xanh, giảm khí thải carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển
bền vững. Theo đó, đa số các quốc gia, vùng lãnh thổ đều có lộ trình giảm phát
thải. Việt Nam cũng có cam kết với thế giới là đến năm 2050 sẽ đạt net zero.
Hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong nước
đều xây dựng kế hoạch giảm phát thải thông qua sử dụng năng lượng tái tạo,
nguyên liệu tái chế để sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, tăng trưởng xanh.
Thời gian qua, Chính phủ cũng có nhiều
chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nhiều cá
nhân, doanh nghiệp (DN) tham gia vào sản xuất năng lượng tái tạo nhanh và nhiều
dẫn đến tình trạng quá tải cho hạ tầng lưới điện. Do đó, có một thời gian phải
hạn chế việc mua, tiếp nhận nguồn điện mặt trời, điện gió… để đầu tư hạ tầng
lưới điện. Hiện nay, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27%
trong hệ thống điện nhưng mới phát được 13%. Vì thế, nhiều DN mong muốn Chính
phủ, Bộ Công thương tiếp tục có những chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để
khai thác hết nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho sản xuất, nhất là cho lĩnh
vực công nghiệp. Bởi hiện nay, phần lớn các nhãn hàng quốc tế đều đòi hỏi các
nhà máy sản xuất phải tham gia vào sản xuất xanh. Muốn hàng hóa xuất khẩu được
và nhận được nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài, DN buộc phải sử dụng năng
lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế…
Theo Quy hoạch điện VIII, năm 2030, sử
dụng năng lượng tái tạo của Việt Nam tăng lên 29% và năm 2045 là 44%. Nhiều DN
cho rằng đạt được mục tiêu trên không khó, bởi nhu cầu sử dụng năng lượng tái
tạo hiện nay rất lớn. Đồng thời, nhiều DN trong nước, nước ngoài cũng đang muốn
đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Các DN cho hay, nếu cơ chế thông thoáng
họ sẽ đầu tư điện mặt trời, điện gió… bán lại với giá bằng hoặc thấp hơn giá
điện hiện nay.
Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành
đang sử dụng nhiều điện nhất cả nước. Sản lượng điện tiêu thụ của tỉnh đa số
dùng cho sản xuất công nghiệp và đây cũng là đối tượng đang có nhu cầu lớn về
năng lượng tái tạo. Theo Quy hoạch tỉnh thì đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có 48 khu
công nghiệp, 31 cụm công nghiệp. Như vậy, tỉnh sẽ cần một số lượng điện khá
lớn cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là nguồn điện sạch. Đồng Nai cũng là nơi
có nhiều tiềm năng để phát triển điện mặt trời áp mái nhà,
riêng các khu, cụm công nghiệp có khoảng 6.000 -7.000 ha mái nhà có thể đầu tư
hệ thống điện mặt trời.
Qua khảo sát Đồng Nai có tổng
số giờ nắng trong năm cao nhất khu vực, có hệ thống mái nhà xưởng từ các khu
công nghiệp, nhu cầu lắp đặt để sử dụng tại chỗ là thực tế, tại kế hoạch thực
hiện Quy hoạch điện VIII tỉnh được phân bổ chỉ tiêu công suất nguồn năng lượng
này cao nhất cả nước. Về thủy điện, tỉnh có khả năng phát triển và mở rộng thêm
4 dự án. Điện rác và điện sinh khối cũng là loại hình có lợi thế.
Hiện Sở Công Thương Đồng Nai
đang tham mưu cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng
xanh, sạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo các định hướng: Đẩy mạnh phát triển
điện mặt trời mái nhà phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải
tỏa công suất của lưới điện; khuyến khích phát triển các loại hình điện sinh
khối, điện sản xuất từ rác nhằm đạt mục tiêu năng lượng và môi trường; khai
thác tối đa tiềm năng các nguồn thủy điện trên cơ sở bảo đảm môi trường, bảo vệ
rừng, an ninh nguồn nước. Cùng với đó là thúc đẩy sử dụng các dạng năng lượng
tái tạo bao gồm nhiên liệu sinh học, hydrogen, amoniac…